Thông tin từ cơ quan chức năng tại Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra hơn 12 ngàn trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn giao thông (TNGT). Tai nạn thương tích gây ra những hậu quả từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong cho nạn nhân. Nguy cơ về tai nạn thương tích cho trẻ em luôn ở mức cao vì Đồng Nai có dân số đông, có nhiều tuyến quốc lộ ngang qua, lượng phương tiện giao thông lớn…
Do đó tìm giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường và về nhà vẫn được cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, nếu chỉ mỗi cơ quan chức năng triển khai các giải pháp ngăn ngừa TNGT cho học sinh là chưa đủ mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, cùng các em học sinh.
Muốn vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật về giao thông cho phụ huynh và học sinh, nhất là tại các trường học thường có tỷ lệ học sinh vi phạm pháp luật về giao thông cao. Trong tuyên truyền cũng cần đổi mới, ngoài tuyên truyền pháp luật trực tiếp cần đẩy mạnh tuyên truyền trực tuyến và tăng cường tuyên truyền bằng hình ảnh, câu chuyện cụ thể, trực quan sinh động về hậu quả nặng nề từ một số vụ TNGT đối với học sinh để có tác động mạnh, thay đổi hành vi. Bởi TNGT thường xảy ra bất ngờ gây nên các tổn thương, thương tích về thể chất, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và cả tương lai của học sinh.
Song song đó cần quan tâm nâng cao kiến thức và kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có TNGT. “Vẽ” đường cho học sinh chạy đúng là rất cần thiết trong trường hợp trẻ tự chạy xe đi học một mình. Trong trường hợp này vai trò của nhà trường, phụ huynh rất quan trọng. Muốn vậy trước hết phải dạy học sinh chấp hành pháp luật về giao thông, điều khiển xe máy khi đủ điều kiện về độ tuổi và giấy phép lái xe. Trong trường hợp học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy thì tốt nhất nên cho học sinh đi xe đạp điện, xe đạp. Đồng thời hướng dẫn học sinh các kỹ năng cần thiết khi đi trên đường như: đi đúng làn đường, phần đường; chú ý quan sát khi qua đường hoặc rẽ phải, rẽ trái; giảm tốc độ khi qua các giao lộ; không đi sát các xe tải trọng lớn; không đi dàn hàng hai, hàng ba trên đường…
Việc hướng dẫn cho học sinh kỹ năng chạy xe an toàn giúp các em chủ động phòng, ngừa các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra khi đi trên đường; giảm nguy cơ xảy ra TNGT; góp phần giúp học sinh đi học và về nhà an toàn hơn.
Thư Ngọc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/ve-duong-cho-hoc-sinh-chay-dung-1880fff/