Trang chủ Tin Tức Tuyên truyền – giải pháp quan trọng bảo đảm trật tự an...

Tuyên truyền – giải pháp quan trọng bảo đảm trật tự an toàn giao thông

4
0

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tình trạng xe mô tô, xe gắn máy vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều diễn biến phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo số liệu của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 478 vụ, làm chết 175 người, làm bị thương 447 người.

Công an huyện Thiệu Hóa tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Thiệu Tiến.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để phòng ngừa, hạn chế TNGT do xe mô tô, xe gắn máy gây ra, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 162 về cao điểm xử lý người điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện vi phạm TTATGT, theo đó, bắt đầu từ ngày 15/4/2024 đến hết ngày 14/7/2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát khác và lực lượng công an cấp xã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín 24/24 giờ trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ.

Đối tượng, hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý là người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và các vi phạm của chủ xe mô tô, xe gắn máy vi phạm TTATGT. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, như điều khiển xe mô tô, xe máy chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; điều khiển xe mô tô, xe máy sau khi đã sử dụng rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ…

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an TP Thanh Hóa đã chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông – trật tự huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng cảnh sát khác và công an các phường, xã trên địa bàn bố trí hàng chục tổ tuần tra khép kín trên các tuyến giao thông trọng điểm vừa tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, vừa kiểm tra xử lý nghiêm đối với người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện cố tình vi phạm.

Sau gần 2 tháng cao điểm thực hiện Kế hoạch 162 của Giám đốc Công an tỉnh, Công an TP Thanh Hóa đã kiểm tra 21.058 phương tiện, qua đó đã phát hiện và xử lý 1.582 trường hợp vi phạm, phạt trên 1,5 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 236 trường hợp, tạm giữ 488 phương tiện. Việc tập trung kiểm soát, xử lý người điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện vi phạm TTATGT đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, làm giảm TNGT, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong công tác bảo đảm TTATGT, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, công điện, văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo TTATGT đường bộ.

Theo đó, các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị – xã hội đã vào cuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ trên các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với đối tượng tham gia giao thông để mọi người hiểu, đồng thuận chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như, Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 hội thi “Phụ nữ Thanh Hóa với an toàn giao thông”, bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến, sân khấu hóa, đuổi hình bắt chữ, vẽ tranh…, với sự tham gia của 27 đội thi đến 27 huyện, thị, xã, thành phố, thu hút hơn 1.000 người tham gia dự thi, cổ vũ. Hội Nông dân tỉnh tổ chức chương trình Gameshow truyền hình “Nhà nông tài giỏi” từ cấp huyện đến cấp tỉnh, thu hút hàng nghìn người tham gia dự thi, thông qua đó đã đưa nhiều thông điệp về ATGT vào các tiểu phẩm và nội dung pháp luật giao thông vào câu hỏi thi. Đồng thời, Ban ATGT tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động “Nông dân tham gia bảo đảm TTATGT”, trên cơ sở đó các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân và Nhân dân gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT. Hội Cựu chiến binh tỉnh chỉ đạo Hội Cựu chiến binh TP Thanh Hóa tham gia đảm bảo an ninh, TTATGT trước cổng trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa bắt đầu thực hiện điểm ở phường Ba Đình từ năm 2017. Đến nay, Hội Cựu chiến binh TP Thanh Hóa đã triển khai ở 27/34 phường, xã với 55 điểm trường, 285 hội viên tham gia.

Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giáo dục pháp luật về ATGT thông qua các hoạt động ngoại khóa môn Giáo dục Công dân, các hoạt động giáo dục tập thể (tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần và sinh hoạt 15 phút đầu giờ của các buổi học trong tuần) và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ban ATGT tỉnh và các ngành thành viên, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp đăng tải hơn 32.900 phóng sự, hơn 24.760 tin bài, 1.100 chuyên đề tuyên truyền pháp luật về ATGT; treo 1.300 khẩu hiệu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến phố chính; cấp phát hơn 980.000 tờ rơi, 18.974 áp phích và 2.000 đĩa CD tuyên truyền về tải trọng xe, phòng chống rượu bia khi điều khiển phương tiện, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, tuân thủ quy định về tốc độ; cấp phát hơn 2 triệu bản cam kết cho cán bộ, học sinh, sinh viên và Nhân dân cam kết không vi phạm pháp luật ATGT…

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các quy định của Luật Giao thông đường bộ, giúp mọi đối tượng hiểu và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, góp phần bảo đảm TTATGT; ý thức của Nhân dân nói chung và của người tham gia giao thông nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác bảo đảm TTATGT. TNGT từng bước giảm thiểu trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương; cụ thể đánh giá theo các giai đoạn 5 năm cho thấy: Giai đoạn 2014-2018 so với giai đoạn 2009-2013 giảm 30% về số vụ, giảm 21% số người chết, giảm 18% số người bị thương; giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018 giảm 24% số vụ, giảm 7% số người chết, giảm 15% số người bị thương…

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn: http://baothanhhoa.vn/tuyen-truyen-giai-phap-quan-trong-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-220395.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây