Trang chủ Hà Nội Thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông gây ra tai nạn...

Thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông gây ra tai nạn ở cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

3
0

Chuyên gia cho rằng, việc xử lý sau tai nạn giao thông là tình huống thể hiện rõ mức độ văn hóa trong giao thông. Đáng tiếc, như trong tai nạn liên hoàn 2 người chết trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ngày 11/7, việc thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông đã gây ra tai nạn khủng khiếp.
Việc xử lý sau va chạm giao thông, thể hiện rõ mức độ văn hóa trong giao thông

Như tin VOV.VN đã đưa, vào khoảng 9h ngày 11/7, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (hướng đi Hà Nội- Hải Phòng) thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, xe bán tải BKS 38C-195.83 do Đặng Quốc Hoàng (SN 1983, trú tại Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) điều khiển chạy chậm để tránh chướng ngại vật thì bị xe ô tô 16 chỗ, BKS 15F-006.78 do Quách Văn Lâm (SN 1989, trú tại Thanh Hối, Tân Lạc, Hòa Bình) điều khiển, trên xe có 10 người (cả lái xe là 11 người) va chạm từ phía sau.

Nơi xảy ra va chạm giao thông trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Điều đáng nói, sau vụ va chạm nhẹ, những người trên hai xe gồm anh Trịnh Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa) và Lê Ngọc Hùng (SN 1988, trú tại Thanh Chương, Nghệ An ngồi trên xe bán tải) và lái xe 16 chỗ Quách Văn Lâm đã dừng lại ở làn bên trái ngoài cùng, nơi cho phép các phương tiện chạy 120km/h để cãi nhau, phân định đúng sai. Trong lúc 3 người trên đang dừng xe cãi nhau thì bị xe ô tô BKS 30K-757.00 do Trần Ngọc Thế (trú tại Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình), chở anh Lâm Quốc Hiếu (SN 1987, trú tại Đông Anh, Hà Nội) tông vào.

Chính vì sự vô ý thức, không chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông của họ đã dẫn đến tai nạn nghiêm trọng khiến anh Trịnh Tuấn Anh và lái xe Quách Văn Lâm chết tại hiện trường, anh Lê Ngọc Hùng bị thương nặng. Nhiều người khác bị thương phải chuyển đi cấp cứu, 3 phương tiện hư hỏng nặng.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông khẳng định: “Việc xử lý sau tai nạn giao thông là tình huống thể hiện rõ mức độ văn hóa trong giao thông. Đáng tiếc, như trong tai nạn liên hoàn 2 người chết trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ngày 11/7, việc thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông đã gây ra tai nạn khủng khiếp”.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, dễ thấy một trong những thói quen không tốt của người tham gia giao thông sau khi tai nạn giao thông xảy ra. Khi ấy, việc đầu tiên các bên hay làm là lập tức tranh luận về việc ai đúng, ai sai mà không quan tâm ngay tới việc bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông khác. Không hiếm thấy việc họ to tiếng, tìm cách đổ lỗi cho bên kia. Thực tế đã có trường hợp người lái xe sai nhưng cứ lớn tiếng át đi để chối bỏ trách nhiệm của mình, nhất là khi chỉ có hai bên mà không có mặt lực lượng chức năng.

Cần nhắc lại rằng đây là một trong các biểu hiện của việc thiếu văn hóa giao thông. Việc tranh luận ai đúng ai sai sau khi xảy ra tai nạn giao thông là hành vi thiếu trách nhiệm và nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây ra thêm những hậu quả đáng tiếc. Thay vì tập trung vào việc phân định lỗi lầm, điều quan trọng nhất sau tai nạn là đảm bảo an toàn cho bản thân, những người liên quan và các phương tiện khác.

Khi xảy ra tai nạn, việc đầu tiên cần làm là quan tâm đến sự an toàn của bản thân, những người bị thương và các phương tiện khác. Việc tranh cãi chỉ khiến mọi người thêm bực bội, mất tập trung và có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm hơn. Tranh cãi ngay tại hiện trường tai nạn có thể gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện khác khó di chuyển và tăng nguy cơ xảy ra va chạm tiếp theo. Thay vì dành thời gian để tranh luận, mọi người nên phối hợp với nhau để giải quyết hậu quả tai nạn nhanh chóng và hiệu quả nhất. Tranh cãi có thể khiến mâu thuẫn giữa các bên tham gia giao thông thêm leo thang, dẫn đến những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật.

Sẽ xử lý nghiêm khắc nếu tranh cãi hoặc gây rối sau tai nạn giao thông

TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc tranh cãi hoặc gây rối sau tai nạn giao thông có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ như theo luật của Anh, việc gây rối hoặc cản trở giao thông sau tai nạn có thể bị phạt tiền lên tới 5.000 bảng Anh hoặc bị tù 6 tháng.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông

Tại Úc, hành vi gây hấn hoặc đe dọa người khác sau tai nạn giao thông có thể bị phạt tù tới 2 năm. Singapore quy định phạt tiền tới 2.000 SGD hoặc tù 3 tháng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng sau tai nạn.

Lời khuyên được TS. Nguyễn Hữu Đức đưa ra là sau khi xảy ra tai nạn, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và không nên vội vàng đưa ra bất kỳ lời kết luận nào về việc ai đúng ai sai. Hãy tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho bản thân, những người bị thương và các phương tiện khác. Tìm chỗ đứng an toàn ngay và tìm mọi cách báo hiệu cho các phương tiện giao thông khác. Nếu có người bị thương, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

“Sau khi đã đảm bảo an toàn, hãy liên hệ với cảnh sát giao thông để họ có thể điều tra vụ việc và đưa ra kết luận chính xác. Bảo vệ hiện trường theo quy định. Nếu có thể, hãy thu thập bằng chứng như hình ảnh hiện trường tai nạn, lời khai của nhân chứng, camera hành trình,… để hỗ trợ việc điều tra. Hãy hợp tác đầy đủ với cảnh sát trong quá trình điều tra và giải quyết vụ việc”, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/thieu-y-thuc-thieu-van-hoa-giao-thong-gay-ra-tai-nan-o-cao-toc-ha-noi-hai-phong-post1107508.vov

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây