Trước tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến xấu, UBND tỉnh Gia Lai vừa có chỉ đạo khẩn đến các ngành, tổ chức và địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm.
Theo số liệu UBND tỉnh Gia Lai, trong 9 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục tăng cao cả 3 tiêu chí, toàn tỉnh xảy ra 375 vụ, làm 223 người chết, 259 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2023, tăng 84 vụ, tăng 23 người chết, tăng 87 người bị thương.

Vụ TNGT vừa xảy 26/10 ra trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) khiến 1 người chết.
Trong đó, số người chết do TNGT trên địa bàn một số địa phương tăng rất cao như: Huyện Ia Pa và huyện Đak Pơ tăng 100%, huyện Ia Grai tăng 85,71%, huyện Chư Prông tăng 63,16%, huyện Chư Păh tăng 44,44%; nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu vẫn do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện.
UBND tỉnh Gia Lai cũng phê bình 11 địa phương tăng số người chết do TNGT trong 9 tháng đầu năm 2024: Ia Pa, Đak Pơ, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Kông Chro, Đức Cơ, An Khê, Krông Pa, Mang Yang, TP.Pleiku.
Để hạn chế TNGT trong quý IV và năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đã ký ban hành công văn số 2508/ UBND-NC về việc tăng cường thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2024.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thường xuyên nắm bắt tình hình, phân tích, báo cáo những vẫn đề mới phát sinh; tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, nhất là giải pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến thanh thiếu niên, học sinh, người dân tộc thiểu số; Tiếp tục Phối hợp Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Xe ô tô có tải trọng lớn thường xuyên lưu thông qua cầu có giới hạn tải trọng 20 tấn trên địa bàn huyện Phú Thiện, nhưng lực lượng chức năng chưa kiểm tra, xử lý kịp thời.
Về phía lực lượng Công an tỉnh Gia Lai, tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kế hoạch/văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm; chú trọng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện cụ thể các giải pháp bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, kiềm chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và tử vong do TNGT, như: vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chất ma túy, tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; vi phạm quá tải trọng, “cơi, nới” thành, thùng; người không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; sử dụng điện thoại khi lái xe; vi phạm về phần đường, làn đường; không quan sát, không có tín hiệu khi chuyển làn, chuyển hướng…
Bên cạnh đó, là các vi phạm của lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên, kịp thời ngăn chặn, xử lý người chưa đủ tuổi, người chưa có GPLX điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý trách nhiệm của người giao xe cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát lưu động, xử lý vi phạm đối với xe mô tô, xe gắn máy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là trên đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 19, vào thời gian thường xảy ra TNGT từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
Tích cực phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên cá biệt, thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, kéo giảm TNGT trong thanh thiếu niên, thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT gắn với phòng chống tội phạm trên địa bàn.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra, xử lý phương tiện vận tải trên QL.19.
UBND tỉnh cũng đề nghị: Sở Giao thông vận tải tiếp tục siết chặt hoạt động vận tải; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp GPLX, công tác quản lý điều kiện kinh doanh vận tải;
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT cho học sinh; tổ chức làm việc với Hiệu trưởng các trường THPT, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cũng yêu cầu các địa phương phải xác định rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp phát sinh để có giải pháp đột phá, cấp bách kiềm chế TNGT trong thời gian tới. Đối với các địa phương đã tổ chức Hội nghị chuyên đề bảo đảm TTATGT cấp huyện, để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp kiềm chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn, yêu cầu tiếp tục chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, đặc biệt là đối UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Giác
Nguồn: https://congluan.vn/tai-nan-giao-thong-tang-cao-ubnd-tinh-gia-lai-co-chi-dao-khan-post318884.html