Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có tới 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với năm 2023. Thế nhưng, gần một tuần trở lại đây, trên nhiều tỉnh, thành số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra có xu hướng tăng…
Trong khi dư luận vẫn còn bàng hoàng về vụ TNGT trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khiến 2 người chết, 9 người thương vong, hay mới đây vụ tai nạn do sạt lở đất tại Hà Giang khiến 11 người tử vong và 4 người bị thương, thì chiều 16/7, tại Hà Nội lại xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến 4 người tử vong.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, đại diện cơ quan điều tra, Ủy ban ATGT Quốc gia cùng chính quyền địa phương đã có mặt để giải quyết sự việc đồng thời đưa ra các khuyến cáo với người dân. Với các vụ TNGT nói chung trên cả nước đã được điều tra sáng tỏ, nguyên nhân tai nạn do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường chiếm đa số. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc chuyển hướng không chú ý, vượt xe sai quy định, vi phạm tốc độ và sử dụng rượu bia, chất kích thích…
Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cùng tổ công tác đến hiện trường điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Hoài Đức (Hà Nội) ngày 16/7.
Theo thống kê của Văn phòng Bộ Công an, khung giờ xảy ra TNGT nhiều nhất là từ 16h – 22h (chiếm 38,01%); từ 10h – 16h (chiếm 26,3%); từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau (chiếm 16,61%) và từ 4h – 10h (chiếm 19,08%). Tuyến đường xảy ra nhiều vụ TNGT là đường quốc lộ (chiếm 35,42%) còn môtô, xe máy tiếp tục là phương tiện dẫn đầu danh sách liên quan đến các vụ việc.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ và số người bị thương do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2023. Điều này một phần là do một số đơn vị, lực lượng tại nhiều địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT còn bất cập. Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.
Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị, đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn từng lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an các địa phương đã kiến nghị 7.537 điểm về tổ chức giao thông, trong đó có 196 điểm đen và 1.386 điểm tiềm ẩn TNGT và 5.955 điểm bất hợp lý điểm; ngành GTVT đã giải quyết 70/196 điểm đen; 392/1.386 điểm tiềm ẩn; 1.488/5.955 điểm bất hợp lý.
Số liệu do Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Nội cung cấp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng toàn thành phố đã xử lý hơn 167.000 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông. Qua đó, CSGT phạt hành chính tổng số tiền trên 314,3 tỷ đồng (tăng 9,37% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 34.290 trường hợp; vi phạm về tốc độ 9.385 tài xế; đi không đúng làn đường 1.826 trường hợp; dừng, đỗ sai quy định 30.883 trường hợp.
Đáng chú ý, thông qua hệ thống camera giám sát, các đơn vị chức năng phát hiện và gửi thông báo cho 3.290 trường hợp tài xế ôtô và xe máy vi phạm, đồng thời xử lý 1.822 tài xế vi phạm. Ngoài ra, thông qua kiểm tra và kiểm soát, các đơn vị CSGT phát hiện 297 vụ việc, bắt giữ 346 đối tượng. Các tổ công tác 141 phát hiện 502 vụ và 564 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự.
Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho hay, các tổ 141 qua tuần tra còn phát hiện 1.757 phương tiện, 1.838 đối tượng có hành vi lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga, có dấu hiệu gây mất trật tự công cộng để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, 10 tổ công tác đặc biệt (gồm CSGT và Cảnh sát cơ động hoạt động cơ động trên các tuyến phố nội thành vào mọi khung giờ) sau 2 tháng ra quân, đã phát hiện xử lý 4.937 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 4,1 tỷ đồng. Qua đó tạm giữ 1.190 phương tiện, tước 194 giấy phép lái xe và phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Được biết, trước diễn biến phức tạp về tình hình TTATGT, trong những tháng cuối năm, CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm do Bộ Công an chỉ đạo và các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông.
Các tổ công tác đặc biệt tiếp tục tăng cường tuần tra lưu động, sẵn sàng kiểm tra, xử lý nếu vi phạm, tập trung xử lý quyết liệt các đối tượng thanh, thiếu niên kẹp 3, kẹp 4…; nâng cao hiệu quả các tổ công tác 141 trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đua xe trái phép trên tuyến giao thông. Đặc biệt, bố trí CSGT tuần tra kiểm soát cơ động vào các ca tối, đêm, phòng chống đua xe trái phép, kiểm tra, xử lý các trường hợp thanh thiếu niên điều khiển xe môtô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga…
Đặng Nhật
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-thong/tai-nan-giao-thong-co-nhieu-dien-bien-phuc-tap-i737607/