Theo chuyên gia y tế, việc sơ cứu ban đầu đúng lúc, đúng cách giúp nạn nhân TNGT có thêm cơ hội phục hồi sau chấn thương và ngược lại có thể để lại những tổn thương vĩnh viễn, thậm chí dẫn tới nguy cơ tử vong.
Chia sẻ về hoạt động sơ cấp cứu ban đầu với các vụ tai nạn thương tích trong đó có TNGT, ThS.BS Trương Viết Hoàng, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, việc tiếp cận, sơ cấp cứu ban đầu đối với các nạn nhân TNGT vô cùng quan trọng, bởi nếu sơ sẩy sơ cứu không đúng kỹ thuật có thể để lại di chứng, khó phục hồi những tổn thương trên cơ thể.
Sơ cấp cứu TNGT ban đầu tốt sẽ giúp quá trình điều trị và phục hồi đạt hiệu quả cao nhất. (Ảnh H.V).
Theo hướng dẫn của BS Hoàng, khi băng bó vết thương với người bị TNGT cần tiến hành các bước như sát khuẩn vết thương, vô khuẩn vật liệu, tay, dụng cụ. Sau đó, đặt gạc và bông đủ dày để thấm hút dịch, che kín vết thương ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi băng bó, tiến hành băng vừa đủ chặt, vòng sau phải đè lên hơn 1/2 vòng trước. Băng nhẹ nhàng, nhanh chóng, không làm đau và tổn thương thêm tổ chức, không để lại các nếp. Vòng đầu và cuối băng được khóa buộc tại nơi hẹp hơn của cơ thể hoặc chi, tránh đè lên vết thương, đầu xương, chỗ bị tỳ đè, chỗ dễ bị cọ xát.
ThS.BS Trương Viết Hoàng lưu ý, quá trình băng bó vết thương, bệnh nhân được đặt trong tư thế thuận tiện, phần cơ thể cần băng bó phải được bộc lộ để có thể thực hiện thao tác từ nhiều hướng. Người thực hiện đối diện bệnh nhân. Bệnh nhân trong tư thế nằm khi băng đầu và than, người thực hiện đứng bên phải bệnh nhân. Khi băng các chi, người thực hiện đứng cùng bên với chi cần băng bó.
Đối với sơ cứu gãy xương, ThS.BS Trương Viết Hoàng cho rằng, mục đích của việc cố định gãy xương làm cho bệnh nhân đỡ đau và phòng ngừa sốc. Vì vậy, tuyệt đối không vận động phần bị tổn thương nếu không cần thiết. Thay vào đó, cần cố định tạm thời gãy xương giảm bớt nguy cơ gây thêm các thương tổn mạch máu, thần kinh, cơ, da. Trong trường hợp gãy hở, băng kín các vết thương giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Khi cố định gãy xương phải tuân thủ nguyên tắc nẹp phải đủ dài để bất động chắc khớp trên và khớp dưới chỗ gãy. Không đặt nẹp trực tiếp sát vào da nạn nhân, đầu nẹp, các chỗ mấu lồi của đầu xương phải lót bông rồi mới đặt nẹp. Nẹp phải được cố định chặt vào chi bị thương thành một khối. Bất động chi theo tư thế cơ năng – thuận lợi đơn giản.
Gãy hở, gãy nội khớp phải bất động theo tư thế gãy, không kéo nắn, ấn đầu xương gãy vào trong, nếu có tổn thương động mạch phải đặt garo tùy ứng, sau khi cố định tiến hành băng vết thương. Gãy kín phải nhẹ nhàng, cẩn thận khi tiến hành cố định, phải có người phụ kéo chi liên tục bằng 1 lực không đổi cho tới khi cố định xong. Không nên cởi quần áo nạn nhân, nếu cần phải bộc lộ vết thương cắt quần áo theo đường chỉ.
Sau khi cố định xong buộc khăn chéo treo lên cổ đối với chi trên, buộc hai chi vào nhau đối với chi dưới. Thường xuyên nâng cao chi bị gãy sau khi cố định để giảm sự sưng nề, khó chịu. Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở điều trị.
Theo BS Trương Viết Hoàng, khi vận chuyển bệnh nhân cần thực hiện đúng cách để không gây nặng thêm tình trạng bệnh, tôn trọng tư thế lựa chọn của bệnh nhân nếu thấy tư thế ấy phù hợp. Đặc biệt, luôn phải chú ý đến chấn thương cột sống, đặc biệt là chấn thương cột sống cổ và cần giữ thẳng trục đầu cổ thân…
Vũ Vũ
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/so-cap-cuu-ban-dau-quyet-dinh-sinh-mang-cua-nan-nhan-tngt-192241029121118883.htm