Lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đang tổ chức ra quân thực hiện tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Lý do là chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông ở nhóm tuổi này đã tăng tới gần 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong hơn 10 ngày đầu ra quân, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã xử lý hàng ngàn vụ học sinh vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Riêng tại Hà Nội, lực lượng CSGT đã xử lý 3.099 trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT liên quan đến học sinh, qua đó, tạm giữ 1.657 phương tiện các loại (xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện…). Qua phân tích hành vi, CSGT xác định 2.806 học sinh và phụ huynh vi phạm lỗi về mũ bảo hiểm, 541 tài xế là học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Theo thống kê của cơ quan có thẩm quyền, có tới hơn một nửa các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Nguyên nhân được xác định là do các em chưa đủ điều kiện để điều khiển xe máy phân khối lớn nhưng vẫn được giao xe nên đã gây TNGT. Vì thế, một số ý kiến cho rằng cần có biện pháp mạnh tay để răn đe đối với các phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện.
Có thể nói, đây cũng là một ý kiến hay, nhưng có lẽ chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn học sinh đi xe phân khối lớn rồi gây TNGT. Để xử lý các phụ huynh về hành vi giao xe phân khối lớn cho con em sử dụng cũng không hề đơn giản. Bởi lẽ, cơ quan chức năng phải chứng minh được việc phụ huynh giao xe cho con em, chứ không phải học sinh tự ý lấy xe sử dụng mà bố mẹ không biết.
Ngay cả khi các bậc phụ huynh có giao xe đúng chủng loại (50cc) cho con, nhưng ý thức giao thông của các em kém thì vẫn gây TNGT như thường, đồng thời hậu quả để lại cũng không hề nhỏ. Ai dám chắc khi học sinh điều khiển loại xe máy 50cc trở xuống không gây TNGT, hay khi gây TNGT sẽ để lại hậu quả ít nghiêm trọng? Vì thế, ý thức tuân thủ Luật Giao thông khi lưu thông trên đường mới là yếu tố cơ bản đảm bảo ATGT.
Còn nữa, ngay cả đối với các học sinh có ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT, nhưng nếu các em không biết luật, không đọc được các biển báo, hay không hiểu các hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông, thì nguy cơ xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn sẽ hiện hữu. Đó là còn chưa kể mật độ lưu thông xung quanh các trường học cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới ATGT.
Nói như vậy không có nghĩa “bàn lùi” việc phải xử lý nghiêm những bậc phụ huynh cố tình coi thường pháp luật, giao xe phân khối lớn cho con em sử dụng khi chưa đủ tuổi. Song, để giải quyết căn cơ vấn nạn nhức nhối hiện nay là học sinh vi phạm trật tự ATGT thì cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để lứa tuổi học sinh thay đổi ý thức, kết hợp với các biện pháp cưỡng chế hành chính như phạt tiền, thông báo cho nhà trường…
Rất nhiều ý kiến cho rằng cần đưa Luật Giao thông vào trong trường học để giáo dục như một môn học bắt buộc, không chỉ để các em nắm vững quy định của luật, mà còn rèn luyện ý thức tuân thủ các quy định về trật tự ATGT của chúng. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất ít trường áp dụng được điều này.
Suy cho cùng, mọi biện pháp cưỡng chế từ hành chính tới hình sự cũng chỉ có tác dụng răn đe tại thời điểm hiện tại, về lâu dài vẫn phải ưu tiên việc giáo dục ý thức tuân thủ Luật Giao thông cho học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung. Ý thức và thái độ vẫn là những mục tiêu bền vững để đảm bảo trật tự ATGT. Mỗi phụ huynh, học sinh, mỗi gia đình đều cần có ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác. Đó mới là căn cơ bền vững của vấn đề trật tự ATGT.
Lê Anh Đức
Nguồn: https://daidoanket.vn/quan-trong-la-y-thuc-10292132.html