Dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để hạn chế, quản lý nhưng xe máy hiện vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam. Tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển xe máy vẫn diễn biến phức tạp.
Trong 2 ngày 4 và 5/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế “An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm”.
Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: TL.
Đánh giá của Viện trưởng TDSI Khuất Việt Hùng, bảo đảm an toàn giao thông với xe máy là vấn đề nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước.
Tại Việt Nam đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 73 triệu xe máy, chiếm khoảng 93% số phương tiện giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Điều này đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và toàn diện để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn.
Còn theo TS.Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, với tỷ lệ sở hữu 770 xe máy/1.000 dân, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe máy cao nhất thế giới.
Trong khi quy hoạch và hạ tầng giao thông còn bất cập, các lợi thế của xe máy, như tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở linh hoạt, thuận tiện, chi phí vận hành rẻ… càng được phát huy khi so sánh với phương tiện vận tải khác.
Tại nhiều quốc gia người dân không thể đi xe máy do quá nóng, quá lạnh thì ở Việt Nam có thể đi xe máy quanh năm. Những yếu tố đặc thù đó tạo nên tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy rất cao ở Việt Nam.
Song đi kèm là độ an toàn thấp và nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Hiện nay nhóm thanh thiếu niên 16 – 18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc hợp pháp, trong khi vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng điều khiển xe an toàn.
Tình trạng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp, TS.Trần Hữu Minh cho biết.
Mặc dù có nhiều kế hoạch dự kiến quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn nhưng xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam và nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên vẫn diễn biến phức tạp.
Điển hình khoảng 0h15’ ngày 3/11, chị N.H.Q. (SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Bà Triệu – Trần Hưng Đạo thì có một nhóm “quái xế” với hàng chục xe phóng với tốc độ cao lao đến.
Trong đó có 1 xe chở 2 người đâm trực diện vào xe máy của chị N.H.Q. khiến chị Q. ngã văng xuống đường và tử vong tại chỗ.
Đáng chú ý sau khi gây tai nạn, các “quái xế” không dừng xe để cấp cứu người bị nạn mà tiếp tục điều khiển xe phóng đi với tốc độ cao.
Thế Anh
Nguồn: https://congluan.vn/phuc-tap-tai-nan-giao-thong-lien-quan-den-thanh-thieu-nien-dieu-khien-xe-may-post319971.html