Hiện nay đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất lớn, nhất là tại các bến đò chở khách ngang sông. Vì vậy, việc bảo đảm ATGT đường thủy mùa mưa bão đang là nhiệm vụ trọng tâm được các cơ quan chức năng quan tâm, triển khai thực hiện.
Toàn tỉnh có 31 bến thủy nội địa, 6 bến đò ngang sông với 788 phương tiện đã đăng ký, bao gồm 230 phương tiện vận tải hành khách và trên 550 phương tiện vận tải hàng hóa. Lực lượng công an, thanh tra giao thông, chính quyền các xã, thị trấn có đường thủy, có các bến đò chở khách ngang sông hoạt động, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT trên tuyến; đồng thời hướng dẫn chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường thủy, kiên quyết không để phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.
Cán bộ Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh hướng dẫn người dân sinh sống trên sông mặc áo phao đúng cách.
Trung tá Chẩu Ngọc Anh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh khẳng định: Đội cảnh sát đường thủy kiểm soát chặt chẽ trên tuyến, nhất là đối với những tháng cao điểm mưa lũ, nước sông to, lưu lượng tàu thuyền nhiều, dễ xảy ra vi phạm. Đội cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm ATGT như không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, chở quá số người quy định hay lỗi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn…
Từ đầu năm 2024 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát tuyến giao thông thủy nội địa, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 18 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính hơn 60 triệu đồng; trong đó vi phạm nồng độ cồn 2 trường hợp; lỗi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện 9 trường hợp, hết hạn kiểm định 5 trường hợp; không chấp nhận lời hướng dẫn của người lái phương tiện 2 trường hợp.
Cùng với xử lý, Đội thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trên sông neo nhà cửa an toàn, cảnh báo mực nước, sạt lở để đảm bảo an toàn. Anh Đỗ Việt Anh, tổ 3, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Gia đình anh thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đội cảnh sát đường thủy, từ hỗ trợ vật dụng cứu hộ đến hướng dẫn neo đậu, các biện pháp giữ an toàn mùa nước lớn…
Lực lượng thanh tra Sở Giao thông – Vận tải đã có nhiều phương án quyết liệt đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Ông Nguyễn Ngọc Huân, Chánh Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Đối với những bến đò, phương tiện không đủ điều kiện hoạt động chở khách ngang sông, lực lượng chức năng đã lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động ngay, chỉ cho phép hoạt động khi đủ điều kiện. Đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thường xuyên người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định; ký cam kết với các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tuyệt đối không chở quá số người quy định, yêu cầu hành khách khi đi đò phải mặc áo phao hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi theo quy định nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra.
Huyện Na Hang hiện có trên 80 tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch đưa đón khách đi tham quan trải nghiệm trên vùng lòng hồ và 300 thuyền khai thác thủy sản của người dân. Cùng với công tác tăng cường kiểm soát phương tiện và sắp xếp việc neo đậu của cơ quan chức năng, người dân đã chủ động đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Anh Hà Hữu Đức, thị trấn Na Hang (Na Hang) là chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Anh cho biết, gia đình anh có 2 thuyền du lịch hoạt động trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang. Cơ sở của anh đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về ATGT đường thủy. Bên cạnh việc trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh và đảm bảo tốt các yếu tố kỹ thuật, anh cũng chủ động xem dự báo thời tiết và tư vấn cho du khách trải nghiệm du lịch vào những ngày thời tiết thuận lợi để đảm bảo an toàn và giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất.
Cùng với các biện pháp của cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động chấp hành của các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện để giảm các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa có thể xảy ra.
Bài, ảnh: Trang Tâm
Nguồn: http://baotuyenquang.com.vn/nhieu-giai-phap-dam-bao-ttatgt-duong-thuy-mua-mua-bao-194694.html