Trang chủ Tin Tức Người ngồi sau có chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra...

Người ngồi sau có chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra tai nạn giao thông không?

3
0

Người ngồi sau vẫn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra tai nạn giao thông trong một số trường hợp.
Tôi đi nhờ xe của một người bạn để về nhà, ngồi phía sau. Trên đường về thì bạn tôi xảy ra va chạm với một ông lớn tuổi đi xe đạp, nạn nhân bị trầy xước da bên ngoài, yêu cầu bồi thường chi phí điều trị. Xin hỏi người ngồi sau có chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra tai nạn giao thông không?

Bạn đọc Nguyễn Nguyên (TP.HCM)

Luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương trả lời:

Căn cứ Khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

Với quy định nêu trên, có thể hiểu người ngồi sau mặc dù không trực tiếp điều khiển phương tiện nhưng cũng được xác định là chủ thể tham gia giao thông. Từ đó, dẫn chiếu tới quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm:

– Làm chết người.

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Từ quy định nêu trên có thể thấy người ngồi sau không phải là chủ thể được loại trừ trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tại nạn giao thông.

Tuy nhiên, người ngồi sau là người tham gia giao thông với vai trò bị động nên trách nhiệm pháp lý đối với họ sẽ chỉ đặt ra ở một số trường hợp nhất định. Có thể kể đến như trường hợp họ là chủ phương tiện gây tai nạn giao thông theo Điều 601 của Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hoặc có thể họ sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019.

Nghiêm trọng hơn họ cũng có thể sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 BLHS 2015 và một số trường hợp khác người ngồi sau nhưng có tác động vật lý trực tiếp dẫn đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tại nạn.

THẢO HIỀN

Nguồn: https://plo.vn/nguoi-ngoi-sau-co-chiu-trach-nhiem-lien-doi-neu-xay-ra-tai-nan-giao-thong-khong-post815688.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây