Trang chủ Tin Tức Người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông sẽ...

Người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông sẽ chịu trách nhiệm gì?

7
0

Căn cứ Điều 80 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Mức phạt hành chính nếu rời hiện trường hoặc không cấp cứu người bị nạn: 16-18 triệu đồng đối với ô tô; 6-8 triệu đồng đối với xe máy; 10-12 triệu đồng đối với máy kéo, xe chuyên dùng; và 400.000 – 600.000 đồng đối với xe đạp và xe thô sơ khác.

Theo Điều 80 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, bắt đầu từ năm 2025, người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông, người liên quan và những người có mặt tại hiện trường sẽ có trách nhiệm cụ thể như sau:

Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn và người liên quan

-Dừng xe ngay lập tức và đặt cảnh báo nguy hiểm để người tham gia giao thông khác nhận biết.

-Giữ nguyên hiện trường và hỗ trợ người bị nạn, đồng thời báo cho cơ quan chức năng như công an, cơ sở y tế hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất.

-Ở lại hiện trường cho đến khi công an đến giải quyết, trừ khi cần rời đi để cấp cứu cho bản thân hoặc người khác, hoặc nếu tính mạng, sức khỏe bị đe dọa. Trong trường hợp rời đi, người này cần phải trình báo ngay cho công an hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất.

-Cung cấp thông tin cá nhân và thông tin liên quan đến vụ tai nạn để hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.

Trách nhiệm của người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn

-Hỗ trợ kịp thời người bị nạn bằng cách đưa đi cấp cứu nếu cần thiết.

-Báo tin ngay lập tức cho cơ quan chức năng, bao gồm công an, cơ sở y tế hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất để có biện pháp xử lý.

-Bảo vệ hiện trường và tài sản của người bị nạn cho đến khi cơ quan chức năng đến.

-Cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm phục vụ cho việc điều tra vụ tai nạn.

Sử dụng phương tiện liên quan để cấp cứu

-Người điều khiển phương tiện hoặc người có mặt tại hiện trường chỉ được sử dụng xe trong vụ tai nạn để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp không có phương tiện nào khác. Khi đó, cần xác định vị trí phương tiện và nạn nhân tại hiện trường để tránh thay đổi dấu vết quan trọng. Đặc biệt, nếu có người chết, hiện trường cần được giữ nguyên và thi thể phải được che đậy để đảm bảo tính tôn nghiêm và hỗ trợ công tác điều tra.

Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khác khi đi qua hiện trường

-Người lái xe đi ngang qua nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm đưa người bị thương đi cấp cứu, ngoại trừ các xe ưu tiên hoặc xe chở người có quyền miễn trừ ngoại giao.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện gây tai nạn mà không thực hiện trách nhiệm giữ nguyên hiện trường, không trình báo hoặc không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt hành chính như sau:

-Phạt từ 16 – 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự.

-Phạt từ 6 – 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

-Phạt từ 10 – 12 triệu đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng.

-Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện hoặc các loại xe thô sơ khác.

Các quy định này nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường trách nhiệm của người tham gia giao thông khi xảy ra tai nạn, đồng thời hỗ trợ kịp thời người bị nạn và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Hà Minh/VOV.VN

Nguồn: https://vov.vn/o-to-xe-may/tu-van/nguoi-dieu-khien-phuong-tien-gay-ra-tai-nan-giao-thong-se-chiu-trach-nhiem-gi-post1131612.vov

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây