Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hiện nay, trên địa bàn cả nước còn tồn tại tới gần 3.180 lối đi tự mở qua đường sắt, trong khi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Càng lo ngại hơn khi tiến độ thực hiện chủ trương xóa bỏ lối đi tự mở rất chậm…
Nguy cơ mất an toàn giao thông từ lối đi tự mở
Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 28-7, tại vị trí đường sắt giao cắt với đường Phạm Văn Thuận, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa (Đồng Nai), mặc dù nhân viên đường sắt đã hạ barie (cần chắn) chuẩn bị cho tàu hỏa chạy qua nhưng xe ô tô bán tải biển kiểm soát 60C-597.xx vẫn cố tình vượt qua đường tàu, bất chấp nhân viên đường sắt liên tục thổi còi, ra hiệu cảnh báo, hậu quả đã dẫn tới TNGT nghiêm trọng. Chiếc xe ô tô bán tải bị tàu húc văng vào xe rác bên đường khiến 1 nhân viên thu gom rác tử vong; bé trai 13 tuổi trên xe ô tô bán tải cũng tử vong tại chỗ…
Một vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở lối đi tự mở tại Km 304+575 tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN TRẦN
Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ TNGT đường sắt xảy ra thời gian qua. Đáng nói, vụ tai nạn này lại xảy ra ngay tại đường ngang có người gác, có tín hiệu cảnh báo, có cần chắn (đường ngang hợp pháp). Điều này gián tiếp cho thấy nguy cơ cũng như số vụ TNGT tại các lối đi tự mở qua đường sắt (thiếu cảnh báo, không có người gác) còn lớn hơn nhiều.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) hiện đang quản lý mạng lưới đường sắt dài khoảng 3.000km, trong đó có tuyến đường sắt Bắc-Nam (Hà Nội – TP Hồ Chí Minh) với chiều dài 1.726km; tuyến Hà Nội-Lào Cai dài 300km; tuyến Hà Nội-Lạng Sơn dài 160km; tuyến Hà Nội-Hải Phòng dài 100km… Mặc dù thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt luôn được Tổng công ty chú trọng nhưng trên thực tế, tình hình TNGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp.
Theo số liệu thống kê của Tổng công ty ĐSVN, tính trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm xảy ra khoảng 190 vụ TNGT đường sắt, làm 82 người chết, 120 người bị thương, làm hư hỏng gần 90 ô tô, xe máy các loại. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 66 vụ (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2023), làm 48 người chết (tăng 3 nạn nhân so với cùng kỳ).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh, an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty ĐSVN cho biết, nguyên nhân xảy ra TNGT đường sắt chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. Tình trạng người dân vi phạm hành lang ATGT đường sắt, họp chợ, nằm, ngồi, đi trên đường sắt, cố tình vượt đường ngang, lối mở qua đường sắt khi có tín hiệu tàu sắp đi qua… vẫn diễn ra khá phổ biến.
Trong khi đó, toàn tuyến đường sắt hiện có 4.680 điểm giao cắt với đường bộ thì chỉ có 1.504 đường ngang hợp pháp (đường ngang có người gác, có cảnh báo tự động hoặc có cần chắn, biển báo…) nhưng có tới 3.176 lối đi tự mở qua đường sắt. Nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt tại các lối đi tự mở là rất cao vì thiếu những điều kiện bảo đảm an toàn như cần chắn, người gác, tín hiệu cảnh báo… Thống kê của Tổng công ty ĐSVN cho thấy, TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại lối đi tự mở (chiếm 55%), số vụ TNGT đường sắt xảy ra dọc hai bên hành lang ATGT đường sắt chiếm 40% và 5% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp.
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Nhằm lập lại trật tự ATGT đường sắt, ngày 10-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg “Phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”. Theo đó, đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, phấn đấu giảm 5-10% số vụ TNGT đường sắt mỗi năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm 31-7-2024, theo số liệu thống kê của Tổng công ty ĐSVN, trên địa bàn cả nước vẫn còn 3.176 lối đi tự mở qua đường sắt. Mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt là rất khó, nếu không muốn nói là không thể hoàn thành.
Trách nhiệm xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trước hết thuộc về các địa phương nơi có đường sắt đi qua. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Cao Thắng, để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt cần phải đầu tư làm đường gom, cầu vượt hoặc hầm chui… tạo thuận lợi cho người dân đi lại với chi phí không nhỏ, hơn nữa, không ít địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiến độ xóa bỏ lối đi tự mở rất chậm. Số địa phương quan tâm, triển khai tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang…
Trong thời gian các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ, nhằm bảo đảm ATGT, Tổng công ty ĐSVN đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức lắp biển cảnh giới, cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới, rào thu hẹp lối đi nhằm không cho phương tiện cỡ lớn qua lại, giải tỏa các vị trí che khuất tầm nhìn, hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, trang cấp dụng cụ cảnh giới cho lực lượng cảnh giới, lắp đặt điện thoại báo giờ tàu cho điểm cảnh giới…
“Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ là tạm thời. Để xử lý tận gốc vấn đề mất ATGT, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tích cực vào cuộc nhằm xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong chấp hành các quy định về ATGT, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm. Tổng công ty ĐSVN đã và đang tích cực phối hợp để tư vấn, hỗ trợ các địa phương xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với thực tế”, đồng chí Trần Cao Thắng cho biết.
PHƯƠNG HIỀN
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/loi-di-tu-mo-va-noi-lo-mat-an-toan-giao-thong-duong-sat-789235