Người phụ nữ bị chấn thương thận sau tai nạn giao thông được các y bác sĩ điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch để cầm máu và đã hồi phục sau 10 ngày điều trị, tránh được phẫu thuật mở và các rủi ro đi kèm.
Chấn thương thận là một loại chấn thương nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y Dược (ĐHYD) đã và đang ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, giúp cải thiện hiệu quả điều trị cho người bệnh bị chấn thương thận.
Chẩn đoán chấn thương thận thường bắt đầu với thăm khám lâm sàng kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Tại Bệnh viện ĐHYD TP.HCM, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là những công cụ chẩn đoán hình ảnh chủ đạo.
BS CKII. Phó Minh Tín, Quản lý và Điều hành Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám cho người bệnh.
Trong đó, CT được xem là tiêu chuẩn vàng để xác định mức độ chấn thương thận, nhờ khả năng cung cấp hình ảnh chi tiết và rõ ràng về tổn thương. MRI cũng được sử dụng trong những trường hợp người bệnh có chống chỉ định với CT, như phụ nữ đang mang thai, dị ứng thuốc cản quang hoặc chức năng thận suy giảm.
Việc sử dụng các công cụ hiện đại này giúp các bác sĩ đánh giá chính xác mức độ và vị trí tổn thương, từ đó lập kế hoạch điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
Cũng tại bệnh viện, điều trị chấn thương thận được cá nhân hóa dựa trên mức độ chấn thương và tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Đối với những trường hợp chấn thương thận nhẹ và vừa, điều trị bảo tồn (theo dõi chặt chẽ kết hợp nghỉ ngơi tại giường và sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh nếu có nhiễm trùng) vẫn là lựa chọn ưu tiên.
Tuy nhiên, với các trường hợp chấn thương nặng, phương pháp can thiệp có thể được cân nhắc.
Bệnh viện đang áp dụng đa dạng các phương pháp can thiệp như phẫu thuật mở thám sát thận, dẫn lưu khối máu tụ nhiễm khuẩn dưới hướng dẫn siêu âm trong những trường hợp cần thiết, nhằm kiểm soát nhanh tình trạng chảy máu và các biến chứng.
Ngoài ra, áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch cho những trường hợp chấn thương thận nặng nhưng không đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Đây là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, cho phép cầm máu hiệu quả và giảm thiểu biến chứng, từ đó giảm số ca phẫu thuật cần thiết và rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh.
Mới đây, một phụ nữ 32 tuổi, bị chấn thương thận sau tai nạn giao thông đã được điều trị bằng phương pháp trên.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, tuy không có dấu hiệu tiểu ra máu nhưng sau khi được thăm khám và chụp CT, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có vết rách ở cực dưới thận cùng với khối máu tụ quanh thận to 12cm và có dấu hiệu chảy máu đang tiếp diễn.
Người bệnh được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch để cầm máu và đã hồi phục sau 10 ngày điều trị, tránh được phẫu thuật mở và các rủi ro đi kèm.
Kim Sáng
Nguồn: https://congly.vn/hoi-phuc-nhanh-nho-can-thiep-noi-mach-sau-chan-thuong-than-446870.html