Trang chủ Tin Tức Hoàn thiện pháp luật bảo vệ trẻ em khi tham gia giao...

Hoàn thiện pháp luật bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

4
0

Tai nạn giao thông, tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng nên cần có sự quan tâm của toàn xã hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngày 27/6. (Nguồn: VGP)

Theo thống kê của Bộ Công an, tỷ lệ trẻ em thương vong vì tai nạn giao thông năm 2023 là 7,8%. Tức là khoảng 2.100 trẻ em thương vong thì có hơn 900 trẻ em vĩnh viễn ra đi. Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với nhiều quy định quan trọng, cần thiết nhằm bảo đảm toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.

Tai nạn giao thông ở trẻ em

Những năm qua, tuy tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, nhất là đối với trẻ em.

Trong những năm gần đây, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai (sau đuối nước) ở trẻ em, tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Trong vòng 10 năm qua, khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ tử vong do các tai nạn thương tích. Chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến tháng 2/2024 đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em, trong đó khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Hầu hết trẻ em ngồi trên ô tô đều không được bảo đảm an toàn. Ít người thắt dây an toàn hoặc bố trí ghế dành cho trẻ em. Nhiều người vẫn để trẻ em ngồi ghế trước, thậm chí đứng trong xe, vươn tay, thò đầu qua cửa sổ… Đây là những lí do gây mất an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.

Nguyên nhân sâu xa chính là nhận thức của phần lớn người dân về các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ trên ô tô còn hạn chế. Khi được hỏi về vị trí trên xe an toàn nhất cho trẻ, có 36% người cho rằng ngồi ghế sau là an toàn nhất, 28% người cho rằng ngồi ghế trước và 27,8% người trả lời ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng. Có tới 75,4% ủng hộ cần thiết có quy định bắt buộc về thiết bị an toàn trên xe.

Theo báo cáo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn; ghế nâng cho lứa tuổi 6-10 tuổi giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng.

Bên cạnh đó, tai nạn giao thông còn xảy ra khi trẻ tự điều khiển phương tiện như xe gắn máy, xe đạp, xe trượt, ván trượt. Thậm chí, không phải trẻ nào cũng nắm được luật giao thông cơ bản và có kỹ năng tốt khi tự xử lý các tình huống phát sinh, phức tạp.

Tỷ lệ trẻ em sử dụng mũ bảo hiểm đối với xe gắn máy, xe đạp điện là rất thấp, chỉ khoảng 52. Hiện nay, ván trượt không chỉ là một môn thể thao, giải trí còn là phương tiện di chuyển trên đường phố của một bộ phận thiếu niên, trẻ em.

Điều đáng lo ngại là các em gần như không được trang bị bất cứ thiết bị bảo hộ nào và hệ thống giao thông Việt Nam chưa phù hợp cho loại hình giao thông này, nhất là khi vỉa hè, lòng đường vẫn bị chiếm dụng, dẫn đến nguy cơ tai nạn nghiêm trọng cho trẻ…

Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có xu hướng tăng, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông điều khiển xe máy điện, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, chở 3, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông xung quanh. Điều này cho thấy ý thức, nhận thức của các em còn hạn chế; công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh chưa hiệu quả.

Hiện nay, ở nước ta khung khổ pháp lý trong pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện, còn nhiều điểm chưa theo kịp cuộc sống. Chưa có quy định về bảo đảm cho trẻ khi ngồi trên ô tô: thiết bị an toàn cho trẻ; trách nhiệm của người lái xe với trẻ em trên xe; bảo đảm an toàn cho trẻ đối với các hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ôtô… Chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, các thiết bị bảo hộ khi trẻ điều khiển xe đạp và các quy định liên quan đến việc tham gia giao thông bằng ván trượt…

Lấp đầy khoảng trống pháp luật

Tai nạn giao thông, tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng nên cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Hai dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em; tạo cơ sở pháp lý để trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương vong khi tham gia giao thông đường bộ.

Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. (Nguồn: Internet)

Một là, quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông trên ô tô. Phải “Có ghế ngồi, giường nằm, dây đai an toàn, cơ cấu neo giữ dây đai an toàn phù hợp quy định; có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô chở người đến 9 chỗ” (Điều 49 dự thảo Luật Đường bộ); “Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ); Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em” (Điều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ).

Nội dung này đã tiệm cận được với quy định của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Hiện có 115 nước đã có luật cấm trẻ em ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ôtô cá nhân. Trong khu vực ASEAN, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia… cũng đều quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ trên xe ô tô cá nhân. WHO khuyến cáo: ít nhất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô cá nhân với trẻ cao dưới 135cm và dưới 10 tuổi.

Báo cáo của Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81%, giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35% đến 72% và các chấn thương khác của trẻ từ 25% đến 58% trong các vụ va chạm giao thông.

Hai là, chú trọng giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào trong các môn học thuộc chương trình chính khóa phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, mục tiêu giáo dục, ngành đào tạo; xây dựng các tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho học sinh.

Từ đó, nâng cao nhận thức cho trẻ em về nguy hại do tai nạn giao thông gây ra; đồng thời nâng cao ý thức, kỹ năng của trẻ khi tham gia giao thông. Đây là biện pháp quan trọng, phòng ngừa tai nạn cho trẻ từ sớm, từ xa.

Ba là, đề cao trách nhiệm của người lớn đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông. Điều 29 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định: trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dẫn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, già yếu, mắc bệnh tâm thần, trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai khi đi qua đường.

Do nhận thức và kỹ năng xử lý các tình huống giao thông hạn chế, trẻ em, nhất là trẻ dưới 7 tuổi khi tham gia giao thông phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ của người lớn để tránh các tình huống mất an toàn.

Giờ học về an toàn giao thông của các bé mẫu giáo trường Mầm non xã Thanh Chăn huyện Điện Biên có sự phối hợp của lực lượng Công an xã Thanh Chăn. (Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên)

Bốn là, bảo đảm an toàn cho trẻ trong hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Xe ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện; xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Đối với lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi.

Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Khi tham gia giao thông xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh (Điều 78, dự thảo Luật Đường bộ).

Hoạt động vận tải để đưa đón học sinh đến trường học và về nhà là rất quan trọng. Khi hoạt động này thực hiện tốt, là cơ sở gây dựng niềm tin đối với các bậc phụ huynh, đồng thời bảo vệ trẻ em trước các tình huống giao thông phức tạp nảy sinh.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và các thiết bị bảo hộ an toàn đối với với trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe đạp, ván trượt trên đường phố. Ngoài ra, nghiên cứu quy định về việc trẻ tham gia giao thông bằng ván trượt cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết cho loại phương tiện này. Có như vậy, trẻ em mới được bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trong mọi tình huống.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em, bất kể độ tuổi hay chiều cao, nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô khi tham gia giao thông; ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe; khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước.

ThS. Nguyễn Thị Soa

Nguồn: https://baoquocte.vn/hoan-thien-phap-luat-bao-ve-tre-em-khi-tham-gia-giao-thong-277159.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây