Ngày 12/8/2024, PGS.TS Đỗ Phước Hùng – Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoa vừa điều trị thành công cho 1 bệnh nhân bị mất đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng bằng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới đầu tiên tại Việt Nam.
Phần xương bị mất được ghép lại bằng phương pháp in 3D titan dạng lưới. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân L.D.L, SN 1985, quê ở Nghệ An, nhập viện vào ngày 17/9/2023 sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trước đó, khi đang chạy trên đường để lấy trái cây về bán thì anh L bị nổ lốp xe. Trong khi anh L xuống xe để kiểm tra thì vô tình bị xe khác tông vào và bị gãy cẳng chân trái.
Anh bị gãy hở hai xương cẳng chân trái và khuyết hổng mô mềm mức độ nặng. Sau 4 cuộc phẫu thuật để cắt lọc vết thương và tái tạo mô mềm, các bác sĩ đối mặt với thách thức lớn: không chỉ khôi phục đoạn xương bị mất mà còn phải phục hồi chức năng vận động của chân bị chấn thương, giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng và thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.
Thực tế cho thấy chỉ có thể giải quyết tốt tình trạng mất đoạn thân xương dài lớn nếu có được nguồn xương ghép tự thân hay xương đồng loại dồi dào. Trong y văn, nhiều trường hợp tương tự đã được điều trị bằng kỹ thuật sử dụng mảnh ghép titan dạng lưới với kết quả được báo cáo khả quan.
Để giải quyết vấn đề này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hợp tác với Viện CSIRO (Úc) trong khuôn khổ nghiên cứu về các mảnh ghép xương sinh học. Sau 6 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, một mảnh ghép titan phù hợp đã được thiết kế và in ra. Mảnh ghép này không chỉ phục hồi chiều dài xương mà còn có thể chịu được lực tác động lớn, đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Đặc biệt, mảnh ghép này sẽ phải gắn bó với bệnh nhân suốt cuộc đời, nên cần được thiết kế và xử lý tốt về mặt cơ sinh học.
Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 17/7/2024, kéo dài 5 tiếng và đạt kết quả như mong đợi. Đến nay, bệnh nhân L.D.L đã có thể đi lại với hai nạng và tì chống một phần chân đau. Đáng chú ý, toàn bộ chi phí của mảnh ghép được hỗ trợ từ chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện CSIRO, trong khi tổng chi phí khác mà bệnh nhân phải đóng không quá 25 triệu đồng. Ngày 12/8, với các chỉ số sinh hiệu ổn định, bệnh nhân L.D.L. đã được xuất viện.
Về những lưu ý sau phẫu thuật, PGS.TS Đỗ Phước Hùng nhấn mạnh, do đây là trường hợp bệnh nhân bị mất một đoạn xương dài được tái tạo từ mảnh ghép xương làm bằng titan, vì vậy bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ về vấn đề chăm sóc vết thương và đi lại.
Trong quá trình phục hồi, bệnh nhân cần tuân thủ việc tập luyện đi lại theo hướng dẫn vì tế bào xương chỉ dẫn nhập vào trong mảnh ghép khi mảnh ghép chịu lực tải một cách thích hợp. Việc phòng chống té ngã cũng cần đặc biệt chú ý để tránh những tổn thương khác xảy ra trong quá trình lành xương.
Minh Nhật
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dieu-tri-thanh-cong-phan-xuong-bi-mat-do-tai-nan-giao-thong-nho-ap-dung-cong-nghe-in-3d-391154.html