Trang chủ Tin Tức Cảnh sát giao thông khi điều tra, giải quyết tai nạn giao...

Cảnh sát giao thông khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải có trình độ đại học trở lên

4
0

Bộ Công an quy định Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trình độ đại học trở lên.
Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Theo Bộ Công an, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông (C08) được giao chủ trì xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (dự thảo thông tư) thay thế Thông tư số 63/2020 ngày 19-6-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (Thông tư số 63).

Sau khi xin ý kiến, tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của Công an đơn vị, địa phương, ý kiến góp ý của Nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Bộ Công an, ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng và ý kiến thẩm định của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03), C08 đã chỉnh lý, hoàn thành dự thảo Thông tư.

Đề xuất nhiều quy định mới khi thay thế Thông tư 63/2020 của Bộ Công an. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Theo đó, Thông tư số 63 là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và các quy định của pháp luật để xác minh, điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.

Tuy nhiên, ngày 27-6-2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025, trong đó giao Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 81, khoản 4 Điều 83 và khoản 5 Điều 84.

Thông tư 63/2020 chưa quy định rõ quy trình, thủ tục

Thực tiễn qua 4 năm (từ năm 2021 đến năm 2024) thực hiện Thông tư số 63 có một số nội dung không phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh một số bất cập như: Thông tư chưa quy định rõ quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ cho C08, PC08 khi thực hiện thẩm quyền Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; Thông tư chưa quy định rõ quy trình, thủ tục trong quá trình xác minh, điều tra, giải quyết vụ TNGT đường bộ chưa có dấu hiệu của tội phạm sau có dấu hiệu của tội phạm được thực hiện như thế nào và ngược lại.

Vì vậy, việc ban hành Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của Cảnh sát giao thông là cần thiết.

Việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 63 nhằm quy định phối hợp chặt chẽ giữa Cảnh sát giao thông với Cảnh sát điều tra trong xác minh điều tra tội phạm về TTATGT, bảo đảm không hành chính hóa hoặc hình sự hóa việc điều tra, giải quyết TNGT. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện tối đa thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trong đó C08, PC08 thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân trong trường hợp phát hiện vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm.

Một số điểm mới

Theo Bộ Công an, Thông tư mới quy định bổ sung giải quyết ban đầu vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phát hiện hoặc cán bộ giao thông được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông;

Thông tư quy định cụ thể nội dung biện pháp điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật hành chính cho lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ điều tra, giải quyết những vụ tai nạn giao thông chưa phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

Quy định cụ thể việc sử dụng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ được trang bị cho CSGT để thực hiện công tác bảo vệ hiện trường đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia khám nghiệm và tiến hành một số biện pháp kiểm tra, xác minh về nồng độ cồn, chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Quy định việc thực hiện công tác trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản của lực lượng CSGT theo quy định của pháp luật hành chính để có căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm của vụ tai nạn giao thông.

Quy định thêm hoạt động nhập thông tin vụ tai nạn giao thông kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ để phục vụ cho công tác thống kê, phân tích đề ra các giải pháp làm hạn chế tai nạn giao thông đường bộ.

THY NHUNG

Nguồn: https://plo.vn/canh-sat-giao-thong-khi-dieu-tra-giai-quyet-tai-nan-giao-thong-phai-co-trinh-do-dai-hoc-tro-len-post803384.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây