Trang chủ Tin Tức Báo động mất an toàn giao thông đường sắt

Báo động mất an toàn giao thông đường sắt

4
0

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, thời gian qua, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt diễn biến phức tạp.
Số vụ, số người chết đều tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người tham gia giao thông thiếu quan sát hoặc cố tình vượt ẩu tại các lối đi tự mở qua đường sắt…

Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong 7 tháng năm 2024 có đến 43 người chết, 61 người bị thương trong 106 vụ TNGT đường sắt. Tối 28-7, tại điểm giao cắt với đường sắt trên đường Phạm Văn Thuận, giáp ranh giữa phường Tân Tiến và phường Thống Nhất, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra vụ TNGT giữa xe bán tải và tàu hỏa khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương. Đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng và lỗi thuộc về người lái xe ô tô đã không tuân theo biển cảnh báo, thiếu quan sát xung quanh.

Theo các nhân chứng kể lại, dù người trực gác chắn đã ra tín hiệu cho chiếc xe bán tải dừng lại vì tàu đang tới nhưng chiếc xe này vẫn bất chấp để lao qua đường ngang, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Tiếp đó, ngày 4-9, tại khu vực đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ TNGT giữa tàu hỏa và xe tải. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải chạy trên đường Ngọc Hồi hướng từ huyện Thanh Trì đi huyện Thường Tín, sau đó rẽ vào Tổng kho 6 (số 486 Ngọc Hồi) thì xảy ra va chạm với đoàn tàu chạy hướng Nam-Bắc. Sau cú va chạm, xe tải bị biến dạng, cột đèn báo đường sắt bị đổ. Vụ TNGT đã khiến tài xế xe tải bị thương, đầu tàu và xe tải bị hư hỏng. Việc cẩu kéo xe tải đã biến dạng ra khỏi đường sắt gặp nhiều khó khăn…

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và xe tải tại khu vực đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) ngày 4-9. Ảnh: VŨ THỎA

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ TNGT đường sắt xảy ra thời gian qua. Hơn 50% trong số vụ tai nạn này có liên quan đến đường ngang, lối mở tự phát. Chúng tôi có dịp đi khảo sát tại khu vực đường Ngọc Hồi thì thấy nhiều dãy nhà kinh doanh với đủ loại mặt hàng, dịch vụ cách đường ray chưa đến 1m. Để tiện cho việc buôn bán và sinh hoạt, người dân sinh sống tại đây đã tự ý mở đường ngang chỉ bằng vài viên gạch, cùng với đó là những tấm sắt đã hoen gỉ. Những lối mở như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn.

Qua thực tế các vụ TNGT đường sắt có thể thấy, sự chủ quan, thiếu ý thức của người dân vẫn là yếu tố chính dẫn đến tai nạn. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa biện pháp an toàn tại các nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho biết: “Điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ chủ yếu là các điểm giao đồng mức. Nhiều điểm đã được bố trí đầy đủ hệ thống cảnh báo, rào chắn, người trực gác… Những điểm này về cơ bản bảo đảm an toàn, còn các điểm mất an toàn hầu hết là đoạn đường dân sinh tự mở.

Trước vấn đề mất ATGT đường sắt, các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc để xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm. Ở các đoạn giao cắt, có thể xây cầu vượt đường bộ. Tuy nhiên, giải pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích phải đủ rộng, đủ chiều dài và kinh phí khá tốn kém. Theo tôi, tại các đường cắt, lối mở ít nhất phải có chuông báo, đèn tín hiệu cảnh báo để người dân biết khi có tàu hỏa sắp qua”.

Trước các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng xảy ra, mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, xử lý nghiêm hành vi không chấp hành các quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Minh Trường, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATGT tại các đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn như vượt qua đường ngang khi có đèn đỏ; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi qua đường ngang; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trong phạm vi đường ngang; người đi bộ vi phạm khổ giới hạn đường sắt…”.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, để hạn chế TNGT đường sắt, cần phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như rà soát, khắc phục tình trạng vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, vi phạm hành lang ATGT đường sắt; tổ chức giao thông tại các khu vực đường ngang giao với đường sắt hợp lý, kiến nghị ngành đường sắt và chính quyền địa phương lắp đặt gác chắn, đèn tín hiệu; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông…

KIM TUYẾN

Nguồn: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bao-dong-mat-an-toan-giao-thong-duong-sat-800278

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây