Trang chủ Tin Tức Liên tiếp xảy ra TNGT trên cao tốc: Lỗi tại đường sá...

Liên tiếp xảy ra TNGT trên cao tốc: Lỗi tại đường sá hay con người?

125
0

Thời gian qua, trên các tuyến cao tốc, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt, các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa… khiến nhiều người chết. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, nguyên nhân là do đâu, tại con đường hay tại con người?
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính khi tai nạn giao thông xảy ra, nhưng chất lượng phương tiện giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông, biển báo và các phương tiện hỗ trợ khác cũng góp phần làm hạn chế tai nạn xảy ra.

Hiện trường vụ tai nạn trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn sáng ngày 18/02/2024 (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Sáng ngày 18/2/2024, trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ô tô, xe tải và xe container kiến cho 3 người tử vong.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã xác định nguyên nhân ban đầu do xe ô tô con vượt bên phải rồi lại tạt sang trái, va vào đầu xe container dẫn đến tai nạn. Kế tiếp, vào tối ngày 10/3, cũng trên tuyến cao tốc này, xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải đang dừng làm 2 người tử vong, nhiều người khác bị thương.

Cuối tháng 2/2024, trên cao tốc Nha Trang – Cam Lâm đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra tai nạn giữa xe khách và xe tải khiến 2 người không qua khỏi. Còn tại tỉnh Bình Thuận, địa phương này hiện có 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía đông đi qua gồm Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.

Thống kê của các cơ quan chức năng, từ giữa tháng 12/2023 đến giữa tháng 11/2024, các đoạn cao tốc qua tỉnh Bình Thuận xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông làm chết 11 người và bị thương 12 người.

Theo người dân, một số tuyến cao tốc hiện nay trên cả nước, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông đang tồn tại 1 số bất cập như: thiếu hệ thống chiếu sáng, thiếu hệ thống chống lóa, không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng chân… Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông:

“Hai bên không có đèn luôn, nó đã tối xung quanh mà không có trạm dừng chân nên cực kỳ mệt và buồn ngủ, sợ lắm”.

“Đã gọi đường cao tốc thì có nghĩa là những tuyến đường dài mà bây giờ không có những làn khẩn cấp thì nói chung cũng có nhiều nguy hiểm trong đó. Nên ưu tiên là phải có 1 trạm dừng chân để cho anh em tài xế ví dụ như nghỉ ngơi hoặc vệ sinh cá nhân”.

“Mình hay đi ban đêm lắm, mà qua mấy đoạn này thì ban ngày thì không sao, nhưng ban đêm đường không có đèn. Mà quanh đó toàn đường cây cao su không à, đường nó tối hù. Nó xa quá, mà không có trạm dừng chân nữa, rất nguy hiểm”.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân do hạ tầng giao thông thì ý thức tham gia giao thông của một bộ phận tài xế, lái xe đường dài chạy trên cao tốc vẫn còn chưa cao. Không khó để bắt gặp tình trạng nhiều lái xe có hành vi nguy hiểm khi lưu thông trên cao tốc như: Đi lùi, chạy ngược chiều, dừng đậu để đi vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ ngủ. Thậm chí, mới đây, nhiều người không khỏi bức xúc khi chứng kiến 2 tài xế xe container đã rượt đuổi tạt đầu, chèn ép nhau trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Trung tá Hoàng Xuân Ân – Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 6 thuộc Cục CSGT cho biết kết quả điều tra các vụ việc cho thấy, tai nạn xảy ra trên cao tốc với các lỗi chủ yếu do không giữ khoảng cách và thiếu chú ý quan sát, đặc biệt vào ban đêm.

Thực trạng các vụ tai nạn giao thông trên cao tốc trong thời gian vừa qua đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Trong thời gian tới, ngoài đề xuất khắc phục 1 số bất cập về hạ tầng giao thông, lực lượng CSGT sẽ kiến quyết xử lý những trường hợp vi phạm khi đi trên cao tốc.

“Chúng tôi kiên quyết xử lý đối với các phương tiện vi phạm về tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ quy định và các hành vi là nguyên nhân gây TNGT trong đó lái xe sử dụng rượu bia. Chúng tôi khuyến cáo các lái xe nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ, không sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện”, Trung tá Hoàng Xuân Ân cho biết.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đang áp dụng và đang có giá trị về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định số 100. Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Luật trật tự an toàn giao thông năm 2024 và luật đường bộ năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.

Trên cơ sở dự thảo lần thứ 4 của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an trình cho Chính phủ mới đây: tăng hàng loạt mức phạt các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, trong đó có trường hợp tăng gấp 30 lần.

“Chúng tôi thấy rằng: nhìn chung mức phạt đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc kể từ ngày 1/1/2025 sẽ tăng đáng kể. Điều này, chúng tôi thấy rằng nó cũng sẽ góp phần gián tiếp bắt buộc người tham gia giao thông phải có trách nhiệm và phải có một tinh thần tự giác để nâng cao ý thức của mình và kiến thức pháp luật khi mà tham gia giao thông trên đường cao tốc”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Theo chuyên gia giao thông, tiến sỹ Nguyễn Đinh Vinh Mẫn (Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức – Đại học Việt Đức) về bản chất, các đường cao tốc vốn được thiết kế và kỳ vọng nhằm tăng hiệu quả vận tải, đồng thời để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực trạng các vụ tai nạn giao thông trên cao tốc trong thời gian vừa qua đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại:

“Trong khoảng thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông đã liên tục xảy ra và theo các báo cáo trước đây thì các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc thường đến từ nhiều yếu tố như các yếu tố về hạ tầng giao thông, người tham gia giao thông, các bất cập từ phương tiện trực tiếp tham gia trên đường và các yếu tố liên quan đến vấn đề về môi trường giao thông… Trong đó các nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc thường liên quan nhiều đến yếu tố về con người và đây cũng là yếu tố phổ biến nhất”.

Tiến sỹ Mẫn đề xuất 3 nhóm giải pháp chính để kéo giảm các vụ tai nạn giao thông gồm giải pháp liên quan đến người tham gia giao thông; nhóm giải pháp liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và nhóm giải pháp liên quan đến phương tiện.

Trong đó, các giải pháp để giúp cho phương tiện trở nên an toàn hơn nhằm hỗ trợ người tham gia giao thông, người trực tiếp điều khiển phương tiện có thể sớm nhận biết được các mối nguy hiểm trên đường, từ đó lái xe có đủ thời gian và khả năng để xử lý các mối nguy hiểm này.

Cụ thể, giải pháp là về hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (hay còn gọi là hệ thống Adas). Hệ thống này sẽ mang lại các giải pháp đột phá trong việc giảm thiểu tai nạn do yếu tố con người trên đường cao tốc.

Ảnh minh họa

“Giải pháp Adas – tập hợp các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ người lái trong việc điều khiển phương tiện an toàn và hiệu quả hơn. Ở đó thì sẽ sử dụng các camera cảm biến Radar và hệ thống Linde để nhận biết môi trường xung quanh xe và đưa ra các cảnh báo can thiệp để cho giúp cho người lái xe có thể sớm xử lý các tình huống nguy hiểm.

Công nghệ thứ hai là khoảng cách hành trình thích ứng sẽ giúp duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước. Công nghệ thứ ba là phanh khẩn cấp tự động. Hệ thống tiếp theo là hệ thống về cảnh báo lệch làn đường.

Tính năng này sẽ giúp cho người lái xe khi mà họ có những dấu hiệu lệch chặn đường thì phương tiện sẽ cảnh báo để giúp ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông để người lái xe chủ động điều kiện phương tiện của mình về đúng làn”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải quan tâm đến vấn đề giáo dục và cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi nguy hiểm của người điều khiển phương tiện trên các tuyến cao tốc.

Ngoài ra, cũng cần phải thường xuyên tuyên truyền về các kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, nhất là cho những người mới lái xe, những người chưa có kinh nghiệm lái xe trên những tuyến cao tốc…. Hoặc những tuyến cao tốc có đặc thù về cơ sở hạ tầng giao thông thì cũng phải thường xuyên tuyên truyền để người người dân nắm bắt.

Tai nạn giao thông đã và đang là khái niệm quen thuộc với nhiều người Việt. Quen thuộc bởi tính lặp đi lặp lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội và vì dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Hẳn không mấy ai cảm thấy dễ chịu bởi sự quen thuộc này, nhất là với những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc khiến nhiều người thương vong những ngày gần đây.

Giữa năm 2024 vừa qua, VOV Giao Thông với chức năng là 1 kênh thông tin giao thông chuyên biệt đã cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm quản lý vận hành cùng các chuyên gia hàng đầu đi tìm lời giải cho bài toán “an toàn giao thông trên cao tốc”.

Khá nhiều cảnh báo quan trọng đã được nêu ra, không ít giải pháp cải thiện đã được đề cập song đến nay số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến đường bộ cao tốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trong khi các tài xế một mực cho rằng hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu trạm dừng nghỉ, lòng đường nhỏ hẹp, ánh sáng hạn chế… thì lực lượng chức năng lại khẳng định ý thức của người điều khiển phương tiện mới là nguyên nhân chính khiến tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất là trong khi chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm thì vẫn còn quá nhiều người phải bỏ mạng hoặc mang thương tích suốt đời vì tai nạn giao thông trên cao tốc.

Là đơn vị tiếp nhận thông tin từ nhiều phía sau khi các vụ tai nạn xảy ra, thay vì cố đi tìm mẫu số chung cho thực trạng này thì chúng tôi mong muốn từng cá nhân, tổ chức có liên quan nhận thức đầy đủ được vai trò, trách nhiệm của mình cũng như tiếp thu một cách nghiêm túc các ý kiến phản ánh để cùng hướng tới mục tiêu “an toàn là cao nhất”, hầu cho số vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc được kéo giảm, số người thương vong vì thế cũng vơi đi.

Đất nước đang bước vào vận hội mới với một tinh thần cải tổ quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, điều này ít nhiều tạo được niềm tin vào sự đổi mới trong cả công tác quản lý nhà nước lẫn tinh thần phụng sự nhân dân.

Mong rằng, đây sẽ là tiền đề quan trọng để từng cấp từng ngành từng lĩnh vực trong đó có ngành giao thông tạo ra sự khác biệt trong tư duy quản lý, tiếp cận vấn đề để kịp thời đưa ra phương án giải quyết thấu lý đạt tình.

Còn với mỗi lái xe, cũng cần khách quan nhìn nhận về thói quen, ý thức khi điều khiển phương tiện nhất là trên các tuyến cao tốc, bởi nếu chỉ chăm chăm đổ thừa do đường hẹp trạm thưa đèn tối mà phớt lờ những nguyên tắc, quy định về an toàn thì rồi “đâu cũng vào đấy”.

Huy Hoàng – Nhất Hoàng – Diễm Thúy/VOV-Giao thông

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/lien-tiep-xay-ra-tngt-tren-cao-toc-loi-tai-duong-sa-hay-con-nguoi-post1140249.vov

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây