Trang chủ Tin Tức Kỳ III: Tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội

Kỳ III: Tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội

4
0

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: ‘Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một rừng hoa đẹp’. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cơ quan chức năng, người dân đã tích cực nhân lên những hành động đẹp, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tạo hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa nét đẹp văn hóa giao thông trong cộng đồng, giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cùng nỗi đau, gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nâng cao ý thức về an toàn giao thông – Cần thiết và cấp thiết

Lực lượng CSGT hỗ trợ di chuyển tài sản của người dân trong vùng ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Xây dựng văn hóa giao thông

TNGT luôn là vấn đề mang tính toàn cầu, không riêng ở nước ta, mỗi gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT có hoàn cảnh, nỗi đau riêng, song những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, những ám ảnh kinh hoàng cho người ở lại không biết khi nào nguôi ngoai. Trên địa bàn tỉnh, trong 9 tháng của năm 2024, TNGT đã cướp đi sinh mạng của 129 người, làm bị thương 185 người (giảm 24 người chết, 25 người bị thương so với cùng kỳ).

Những con số trên cho thấy, việc xây dựng văn hóa giao thông là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, giảm thiểu thấp nhất TNGT có thể xảy ra. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, đưa công tác tuyên truyền đi vào bề rộng, chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực như: Tuyên truyền trực quan bằng hệ thống băng zôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; tuyên truyền lưu động; tổ chức các hội nghị, hoạt động tuyên truyền, trao đổi về ATGT. Đặc biệt, các hình thức tuyên truyền trên các nền tảng số được đẩy mạnh; tranh thủ sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của các bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, góp phần lan tỏa rộng rãi, đưa thông điệp văn hóa giao thông thấm sâu vào mỗi trường học, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, khu dân cư, công ty, doanh nghiệp, mỗi hộ gia đình, nhất là khu vực đô thị, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…

Ban ATGT tỉnh, các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thành, thị đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng những nội dung được dư luận xã hội quan tâm như: Văn hóa, ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh; xử lý vi phạm về tốc độ; người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; xe chở quá tải trọng phương tiện… Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng, địa phương đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền về ATGT với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, nhận thức của từng đối tượng.

Tại huyện miền núi Thanh Sơn, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, do vậy, ngay từ đầu năm, Ban ATGT huyện đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nguy cơ có thể dẫn đến TNGT, biện pháp phòng ngừa, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo ATGT, chú trọng đối tượng là người dân đồng bào DTTS. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Với đặc thù xã có trên 60% dân số là người dân tộc Mường, người dân nơi đây được lực lượng công an, đoàn thể của huyện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ bằng cả tiếng Việt và tiếng Mường. Đồng thời, vận động 400 hộ dân có con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh các gia đình ký cam kết không vi phạm TTATGT. Đối với gia đình có con em vi phạm về ATGT mời lên UBND xã để răn đe, nhắc nhở, ký cam kết không tái phạm, công bố danh tính những người vi phạm về TTATGT trên loa phát thanh của xã để tăng hiệu quả phòng ngừa.

Các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng như Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh… đã có hàng ngàn tin, bài tuyên truyền công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh trong triển khai, thực hiện công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tăng thời lượng, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, về văn hóa giao thông; linh hoạt trong phương thức tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Hướng tới đối tượng tuyên truyền là học sinh, sinh viên, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT, lồng ghép giáo dục ATGT vào các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa giao thông, Luật Giao thông đường bộ, triển khai hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT”. Hiện đã có gần 400 trường học từ cấp THCS trở lên ký cam kết không vi phạm TTATGT, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến kiến thức ATGT, hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tối đa TNGT trong lứa tuổi học đường.

Theo ông Nguyễn Văn Danh – Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, mỗi người dân hãy bắt đầu hình thành văn hóa giao thông cá nhân bằng những hành động chấp hành nghiêm quy định pháp luật về TTATGT, tham gia tuyên truyền để lan tỏa những hành động đẹp, tạo dư luận xã hội, “sức mạnh mềm” của cộng đồng để phê phán, lên án những hành vi vi phạm TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh, thân thiện.

CSGT-TT, Công an thành phố Việt Trì tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm TTATGT.

Tích hợp sức mạnh tổng hợp vì ATGT

Tỉnh Phú Thọ có tổng chiều dài đường bộ 12.916km, trải từ đồng bằng đến miền núi, từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện, xã, thôn bản. Thực hiện nghiêm chỉ đạo Chính phủ về công tác đảm bảo TTATGT, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Ban ATGT tỉnh huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đảm bảo TTATGT đi đôi với đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông; nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong công tác đảm bảo TTATGT.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hùng – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Hiện tại, Phú Thọ đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại, tạo sự kết nối liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh. Không chỉ tập trung triển khai các dự án trọng điểm, chiến lược ở khu vực trung tâm, thành, thị, tỉnh còn đặc biệt chú trọng, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông ở các địa bàn nông thôn, miền núi. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Cùng với đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, công tác quản lý, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao tuổi thọ công trình, góp phần đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn, thông suốt.

Hàng năm, Sở GTVT chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch kiên cố hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn, 9 tháng của năm 2024, tỷ lệ đường GTNT được kiên cố hóa ước đạt 81,5%, dự kiến cả năm đạt 82,5% đường GTNT trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa. Cùng với đó, công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên 6 tuyến/405km Quốc lộ được Bộ GTVT ủy quyền và 54 tuyến/786km đường tỉnh được quan tâm thực hiện, bảo đảm giao thông thông suốt. Tỉnh đã hoàn thành sửa chữa định kỳ 16,5km đường bộ; hoàn thành công trình xử lý “điểm đen” trên QL.2D, thay thế 2 tràn trên QL.70B; lắp đặt 2 nút đèn tín hiệu giao thông; bổ sung thay thế 215 biển báo hiệu đường bộ các loại, sơn vạch tim đường gần 5.000m2, hoàn thành 10.150m rãnh dọc thoát nước…

Công an tỉnh chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân. Từ đầu năm đến nay, qua thông tin, hình ảnh phản ánh do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý gần 1.300 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh kịp thời, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định pháp luật. Công an tỉnh, Sở GTVT cũng đã xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông.

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ vừa trải qua cơn bão số 3 (YAGI) kèm theo mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của Nhân dân. Sau sự cố sập nhịp cầu Phong Châu nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, làm đứt gãy giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm TTATGT, lực lượng CSGT, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn Công binh 249, Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng sử dụng linh hoạt 2 phương án di chuyển bằng phà hoặc cầu phao, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Dẫu còn không ít khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, nhất quán chủ trương với các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế, công tác đảm bảo TTATGT đã đạt được những kết quả tích cực. Việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và sự ủng hộ của Nhân dân, tỉnh Phú Thọ đã đạt mục tiêu giảm TNGT về số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ; hệ thống mạng lưới giao thông thông suốt, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương.

Kỳ IV: Kiên định thực hiện mục tiêu

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn: https://baophutho.vn/ky-iii-tao-hieu-ung-lan-toa-trong-xa-hoi-221682.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây