Trang chủ Hà Nội Tai nạn giao thông do xe máy chiếm đến 60%, giảm thiểu...

Tai nạn giao thông do xe máy chiếm đến 60%, giảm thiểu bằng cách nào?

8
0

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tai nạn giao thông do xe máy, chỉ xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm là cần thiết nhưng chưa đủ. Để hiệu quả lâu dài cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.
Bài học quốc tế

Theo số liệu từ Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, với tỷ lệ 770 xe máy/1.000 dân, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia sở hữu xe máy cao nhất thế giới.

Tính đến cuối năm 2023, xe máy chiếm khoảng 93% số phương tiện giao thông đường bộ. Điều này cũng kéo theo hệ lụy, tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% số vụ.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn xe máy như: do không tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ, giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái, không đội mũ bảo hiểm, thiếu kiến thức, kỹ năng lái xe, xe không đảm bảo điều kiện an toàn…

Đánh giá việc bảo đảm an toàn giao thông với xe máy là vấn đề nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Điều này đặt ra đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và toàn diện để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy.

Đánh giá Việt Nam đã có thành công lớn trong việc thúc đẩy đội mũ bảo hiểm nhờ các biện pháp kết hợp từ sản xuất mũ bảo hiểm đến bán và thực thi quy định; nỗ lực can thiệp để giảm tình trạng lái xe quá tốc độ từ năm 2021 đến nay. Tuy nhiên, nhìn ra quốc tế, có rất nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo, xem xét.

Theo chia sẻ từ T.S Qingfeng Li – Phó Giám đốc đơn vị nghiên cứu chấn thương quốc tế Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Đài Loan sử dụng các dấu hiệu phân cách và khu vực chờ xe máy theo làn đường đã giảm thiểu tai nạn va chạm khi rẽ phải tới 64%;

Tại Thái Lan, việc đào tạo dựa trên video và mô phỏng để cải thiện khả năng nhận diện nguy hiểm và giải quyết tình trạng không nhận thức khi lái xe xuống hơn 60%.

Tại Nigeria, luật phạt việc chở quá một hành khách và điều khiển xe vào ban đêm đối với các lái xe mới đã giảm tỷ lệ tử vong của người lái xe máy tới 76%.

Tại Nhật Bản, biển báo và các hướng dẫn bằng giọng nói về hành vi an toàn đã cải thiện lên tới 85% trong số những người lái xe máy.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong tương lai, bên cạnh việc tiếp tục thắt chặt quy định đội mũ đúng cách; giới hạn tốc độ rõ ràng và có thể thực thi; xem xét bổ sung thiết bị dây an toàn cho trẻ em, cần xem xét có những thiết kế và trang bị công nghệ quản lý tốc độ với xe hai bánh.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo T.S Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam dựa trên 5 yếu tố trụ cột. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước quy định về luật, nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, hướng dẫn làm căn cứ thực hiện.

Yếu tố kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm thiết kế, đầu tư đường bộ, bảo dưỡng, tổ chức, giao thông, chỉ huy giao thông, ùn tắc giao thông.

Về phương tiện giao thông là việc quản lý về đăng kí phương tiện, tiêu chuẩn và đăng kiểm phương tiện.

Phía người tham gia giao thông cần các biện pháp giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, quy định về lái xe và bằng lái, truyền thông nâng cao nhận thức.

Cuối cùng là ứng phó sau tai nạn thông qua việc điều tra, thống kê hiện trường xảy ra tai nạn, điều trị thương tật.

Dựa trên các yếu tố này, cần đối chiếu với thực tế để đề xuất các giải pháp trọng tâm đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó lưu ý trách nhiệm của các đơn vị chủ quản và đơn vị liên quan, các nhiệm vụ trọng tâm như quy định về đội mũ bảo hiểm; bổ sung dây bảo hiểm/ghế bảo hiểm trẻ em khi tham gia giao thông; kiểm soát rượu bia, ma túy; tốc độ; hướng dẫn lái xe an toàn và cấm sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung – Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định an toàn giao thông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cải thiện ý thức của người điều khiển xe máy.

Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng và kiểm tra xe định kỳ cần được chú trọng. Xe phải lắp đặt các thiết bị an toàn, có quy định về cấp chứng nhận đủ điều kiện lưu thông. Người lái xe phải được đào tạo bắt buộc và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến phương tiện này, như việc đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, tuân thủ biển báo, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện sử dụng tham gia giao thông…

Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng tăng cường xử phạt và giám sát vi phạm giao thông, ứng dụng công nghệ để giám sát tự động ở khu vực ngoại ô và các tuyến đường ít đông đúc, nơi vi phạm thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề liên quan đến tai nạn xe máy cũng rất đáng lưu tâm là gần đây xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạnh lách, đánh võng trên đường gây mất an toàn giao thông, có trường hợp còn gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây nhất, khoảng 0h15’ ngày 3/11, chị N.H.Q. (SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Bà Triệu – Trần Hưng Đạo thì có một nhóm “quái xế” lao đến. Một xe trong số đó đã đâm trực diện khiến chị N.H.Q. ngã văng từ xe máy xuống đường, tử vong tại chỗ. Nhóm “quái xế” sau đó tiếp tục lên xe phóng đi bỏ mặc nạn nhân.

Về vụ việc trên, thông tin từ Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ nhóm thanh thiếu niên phóng xe tốc độ cao, tông tử vong một cô gái tại ngã tư phố Trần Hưng Đạo – Bà Triệu. Đồng thời, cơ quan công an đã tạm giữ 10 người cùng phương tiện liên quan. Lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra vụ việc để xử lý theo quy định.

Theo các chuyên gia, xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam do đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng để có kế hoạch chặt chẽ trong quản lý và kiểm soát các hành vi điều khiển xe máy không an toàn dẫn đến tai nạn.

Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông với xe máy có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao hiệu quả giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ nói chung. Đồng thời là căn cứ để chỉnh sửa, hoàn thiện các giải pháp lâu dài trong tương lai nhất là bối cảnh hạ tầng đường bộ không ngừng hoàn thiện và mở rộng.

Huyền Sâm

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tai-nan-giao-thong-do-xe-may-chiem-den-60-giam-thieu-bang-cach-nao.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây