Để ngăn chặn tình trạng vi phạm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, bước đầu đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Thượng tá Đinh Trung Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Thanh Xuân cho biết, từ ngày 1-10-2024, Công an quận đã triển khai cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn quận. Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội và gia đình trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định về trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo tính răn đe.
Xử lý nghiêm các vi phạm giao thông liên quan đến học sinh
Trong hơn 45 ngày triển khai kế hoạch, Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp Công an 11 phường triển khai nhiều biện pháp có tính lan tỏa và chiều sâu, tập trung vào học sinh, phụ huynh. Có thể nói, ngay trong ngày đầu ra quân cao điểm, gần 10 tổ công tác với hàng chục CBCS tuần tra, chốt tại gần các khu vực cổng trường, tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn quận Thanh Xuân xử lý tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi…đã tạo một “tiếng chuông” cảnh báo đối với lứa tuổi học sinh.
“Trong quá trình làm việc, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm giao thông chúng tôi nhận thấy một phần do ý thức của các em chưa tốt, chưa chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chưa ý thức được những nguy hiểm khi điều khiển phương tiện phân khối lớn, chưa đủ tuổi điều khiển. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Bởi nếu bố mẹ, gia đình nghiêm khắc giáo dục và không tạo điều kiện, giao xe máy cho con em sử dụng thì sẽ góp phần ngăn chặn các vi phạm, hậu quả ngay từ gốc gác của sự việc. Cùng với đó, tại các trường học, nhà trường không trông xe cho học sinh điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm…thì các em cũng khó có thể vi phạm. Như vậy, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là một trong những điều kiện tiên quyết, quyết định để ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm giao thông”, Thượng tá Đinh Trung Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Thanh Xuân chỉ rõ.
Xác định rõ điều này, Công an quận Thanh Xuân đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền về các quy định của Luật giao thông đường bộ đến 16.156 học sinh và 730 giáo viên trên toàn địa bàn. Yêu cầu 31.700 học sinh và phụ huynh ký cam kết không giao xe mô tô cho con em chưa đủ tuổi điều khiển.
Cùng với đó, triển khai mô hình cổng trường an toàn tại 33 trường học trên địa bàn quận.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, Công an quận Thanh Xuân cũng thực hiện các biện pháp mạnh, có tính răn đe, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm. Các tổ công tác của Công an quận thường xuyên tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vào các khung giờ cao điểm là giờ tới trường và tan học của học sinh. Các chốt được bố trí đan xen, khép kín địa bàn tại các khu vực cổng trường, ngã 3- ngã 4, tuyến giao thông chính. Ngoài ra, lực lượng Công an các phường cũng phối hợp kiểm tra đột xuất, rà soát bãi xe, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh điều khiển xe máy tới lớp…Các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn đều được tuyên truyền chủ trương không nhận trông giữ xe máy cho học sinh. Từ đó, dứt điểm xử lý tình trạng học sinh sử dụng xe máy tham gia giao thông.
Biện pháp hiệu quả góp phần giảm tai nạn giao thông liên quan đến học sinh
Các trường hợp học sinh vi phạm giao thông đều bị xử lý nghiêm, gửi thông báo về nhà trường để xử lý
Trong quá trình triển khai kế hoạch, các tổ công tác của Công an quận Thanh Xuân đã lập biên bản xử lý 167 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt số tiền hơn 52 triệu đồng. Tất cả các trường hợp học sinh bị lập biên bản xử lý đều được thông báo vi phạm về nhà trường và gia đình để có biện pháp xử lý. Đối với các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, đều phải có bố mẹ tới cơ quan Công an để phối hợp giải quyết, qua đó, tuyên truyền đối với chính gia đình các em để không xảy ra tình trạng này tái diễn.
Với đồng bộ các biện pháp tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, bước đầu, sau 45 ngày triển khai kế hoạch đã có những tín hiệu khả quan, tích cực. Tình trạng học sinh vi phạm giao thông như các lỗi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi đi học đã giảm hẳn.
Linh Nhi
Nguồn: https://anninhthudo.vn/dong-bo-cac-bien-phap-phong-ngua-keo-giam-tinh-trang-hoc-sinh-vi-pham-giao-thong-post595823.antd