Trang chủ Tin Tức Góc nhìn pháp lý việc người dân dựng barie chặn xe qua...

Góc nhìn pháp lý việc người dân dựng barie chặn xe qua ngõ vào giờ cao điểm

3
0

Theo luật sư, trường hợp rào chắn tự phát là nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, người có hành vi dựng rào chắn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, đầu các con ngõ tại đường Thượng Đình để đi sang đường Nguyễn Trãi đều xuất hiện rào chắn (barie). Những chiếc barie được thiết kế bằng sắt và đổ bê tông ở đế chắc chắn, một đầu có hệ thống khóa cẩn thận, có thể nhấc lên hoặc hạ xuống.

Hình ảnh barie chắn ngang đường tại ngõ 126 Thượng Đình. Ảnh: MXH

Barie tại ngõ 129 Nguyễn Trãi.

Một người dân sinh sống tại đây cho biết, các hệ thống barie này được người dân dựng lên khoảng 1 năm nay. Theo đó, vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng, người đi đường từ hướng Khương Đình sang Tây Sơn muốn nhanh thường đi tắt qua các con ngõ ở phố Thượng Đình để thông ra đường Nguyễn Trãi, sau đó đi lên cầu vượt Ngã Tư Sở.

Một người dân chia sẻ với Phóng viên.

“Việc này dẫn đến tình trạng ồn ào, ùn tắc nghiêm trọng tại các con ngõ nhỏ này vào giờ cao điểm, nên người dân đã thống nhất làm barie để chặn các phương tiện qua lại. Tất cả người dân sinh sống ở đây đã đồng thuận và được sự đồng ý của UBND phường mới được làm”, một người dân lớn tuổi cho hay.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc một số người dân sinh sống trong các ngõ, hẻm của Hà Nội dựng rào chắn không cho xe máy và các phương tiện giao thông của những người không phải cư dân trong các ngõ, hẻm lưu thông thể hiện tính ích kỷ bởi chỉ vì sợ tiếng ồn, sợ ách tắc giao thông giờ trong cao điểm mà không cho người khác lưu thông qua khu dân cư nơi mình sinh sống.

Việc những người dân trong ngõ được quyền đi lại trong ngõ của mình, còn những người dân tại các khu vực khác không được lưu thông qua các ngõ, hẻm này thể hiện sự bất công, không công bằng giữa những chủ thể tham gia giao thông. Hệ thống đường bộ là tài sản chung của quốc gia, của nhân dân, mọi người tham gia giao thông đường bộ đều có quyền lợi ngang nhau.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 39 Luật An toàn giao thông đường bộ, hệ thống ngõ, hẻm, ngách tại các thành phố là một bộ phận cấu thành mạng lưới giao thông nội đô, các chủ thể tham gia giao thông có quyền và nghĩa vụ như nhau. Đồng thời, theo quy định tại Điều 4 Luật An toàn giao thông đường bộ, một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động giao thông đường bộ là phải đảm bảo thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả, không được phép lắp đặt thiết bị khác gây cản trở người tham gia giao thông.

Hành vi dựng rào chắn, barie cản trở giao thông đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 8, Điêù12 Luật Giao thông đường bộ 2008. Các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8: đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 39 Luật An toàn giao thông năm 2008, việc điều chỉnh các hệ thống đường bộ phải do người/cơ quan có thẩm quyền quyết định, người dân không thể tự ý tổ chức, cắm mốc, đặt rào chắn trên đường, theo quy định này việc điều chỉnh hệ thống đường bộ tại đô thị do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định.

Như vậy, việc người dân tổ chức đặt rào chắn, barie tại các ngõ, ngách theo báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua là sai, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 điều 12 Nghị định số 100/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, người có hành vi dựng rào chắn, barie tại các ngõ, ngách có thể bị người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi.

Ngoài ra, nếu bị xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ điểm đ, khoản 10, Điều 12 Nghị định này, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng biện pháp buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Trường hợp rào chắn, barie là nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, người có hành vi dựng rào chắn, barie có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải thực hiện các nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại.

Phúc Đức

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/goc-nhin-phap-ly-viec-nguoi-dan-dung-barie-chan-xe-qua-ngo-vao-gio-cao-diem-16924111810585446.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây