Trang chủ Tin Tức Tai nạn giao thông, nỗi đau cùng cực: Tuổi xế chiều còn...

Tai nạn giao thông, nỗi đau cùng cực: Tuổi xế chiều còn chịu cảnh bi thương (bài 1)

6
0

Mỗi nhân vật trong bài viết này đều chung một nỗi đau mang tên tai nạn giao thông (TNGT). TNGT đã đẩy cuộc đời họ vào cảnh cùng cực, đầy nước mắt, đau thương và tưởng chừng tuyệt vọng. Tác giả bài viết dù không muốn khơi lại nỗi đau của họ nhưng khi gặp gỡ, trò chuyện, các nhân vật sẵn sàng chia sẻ. Họ mong muốn qua câu chuyện của gia đình gửi gắm thông điệp, lời cảnh báo để cuộc đời bớt đi những nỗi đau mang tên TNGT.
Bài 1: Tuổi xế chiều còn chịu cảnh bi thương

Thời gian cứ trôi nhưng nỗi đau TNGT vẫn âm ỉ, kéo dài chẳng thể nào nguôi. Từ con người khỏe mạnh, gia đình yên ấm, hạnh phúc, rộn rã niềm vui, tiếng cười, bây giờ chỉ còn là hoài niệm…

Sau vụ tai nạn giao thông, ông Phạm Thanh Quân (ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) bị hư mắt bên phải, tật nguyền đôi chân, phải di chuyển bằng xe lăn

Chỉ vì bất cẩn

Cuộc đời của vợ chồng ông Phạm Thanh Quân, bà Võ Thị Cúc (cùng 61 tuổi, ngụ ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) là một câu chuyện buồn, nhói lòng ở tuổi xế chiều. Ông Quân quê gốc ngoài Hải Phòng, từ hồi còn thanh niên đã theo gia đình vào miền Nam làm kinh tế mới. Ngày trước, ông bán hàng rong ở Bình Dương, Bình Phước, sau đó chuyển sang cạo mủ cao su để kiếm sống. Ở đây, ông gặp bà Cúc (quê ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Thấy ông tốt tính, siêng làm, bà Cúc cảm mến. Còn ông thương bà bởi tính hiền lành, chất phác. Và rồi, đầu thập niên chín mươi, ông bà nên duyên vợ chồng.

Sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống vẫn chỉ đủ ăn, năm 2014, ông quyết định về quê vợ ở xứ Thạnh Lợi, huyện Bến Lức dựng căn nhà ở tạm trên đất của người bà con. Ngày ngày, ông bà đi làm thuê đủ nghề từ đốn tràm, chặt mía, hái chanh đến phụ hồ. Cuộc sống cứ thế trôi qua, dù vất vả nhưng gia đình vẫn có thu nhập trang trải cuộc sống.

Hạnh phúc của ông bà là đứa con trai dù không được học hành đến nơi, đến chốn nhưng có sức khỏe tốt, khi đến tuổi trưởng thành đã cưới vợ và sinh con. Năm 2011, ông bà có đứa cháu nội đầu lòng, cứ thế lần lượt đến năm 2020, ông bà tiếp tục có thêm 5 đứa cháu. “Đông người, đông miệng ăn nên nỗi lo toan cũng thêm lớn. Thế nhưng, vợ chồng tui thường nói với nhau phải cố gắng nhiều hơn để lo cho các cháu” – bà Cúc nhớ lại.

Cuộc sống đang bình thường thì tai họa ập đến. Một buổi chiều trong năm 2020, bà Cúc nghe người quen điện thoại báo ông Quân bị tai nạn nghiêm trọng ở ngoài đường, gần trụ sở UBND xã. Khi bà đang luống cuống, lại tiếp tục nghe tin báo ông Quân cùng một thanh niên đang trong tình trạng nguy kịch đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

“Hôm đó, ông ấy chạy xe máy ra ngoài trung tâm xã để mua đồ. Lúc đang di chuyển, ông quay đầu xe đột ngột nên một thanh niên ở cùng địa phương đi phía sau không kịp phản ứng đã lao thẳng vào ông. Sau cú va chạm mạnh, cả hai người té văng xuống đường, xe bể tan tành” – bà Cúc kể lại.

Ít ngày sau vụ va chạm, người thanh niên qua đời, riêng ông Quân bị chấn thương sọ não nằm bất tỉnh, bị hư con mắt bên phải, chân phải gãy 3 đoạn, phải nằm cấp cứu, chữa trị dài ngày trong bệnh viện. Chi phí điều trị tốn kém, bao nhiêu vốn liếng mà vợ chồng làm lụng vất vả tích cóp cũng ra đi.

Sau mấy tháng nằm viện, ông Quân tỉnh lại, trở về nhà nhưng trí nhớ, sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Chân phải không thể đi, đứng,
mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vợ. Từ người khỏe mạnh, trụ cột của gia đình, bỗng chốc ông Quân trở thành người tàn tật. Bao vất vả, lo toan của gia đình đè nặng lên vai bà Cúc với thu nhập ít ỏi từ nghề bán vé số dạo trong xã. Rồi ông tự động viên phải cố gắng lên. Dần dần, ông tập đi, đứng, di chuyển được bằng nạng.

Sau biến cố lớn, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh cùng cực, chồng chất khó khăn. Thấy hoàn cảnh đáng thương, một người tốt bụng tặng ông Quân chiếc xe lăn làm phương tiện di chuyển để cùng vợ bán vé số mưu sinh. Cách đây không lâu, một nhà hảo tâm tiếp tục cho ông bà hơn 30 triệu đồng sửa sang lại căn nhà nhỏ.

Người dân ở xã Thạnh Lợi và các vùng lân cận không còn xa lạ với hình ảnh vợ chồng ông Quân, bà Cúc. Cứ ngày ngày, ông bà vẫn gồng gánh nỗi đau thể xác và tinh thần, dãi nắng, dầm mưa trên các tuyến đường ở xã để bán vé số mưu sinh từ sáng đến chiều. “Biết hoàn cảnh cơ cực của ông bà nên người dân vẫn thường mua giúp vé số” – anh Nguyễn Tiến Đạt, người dân địa phương, nói.

Vì nhà nghèo nên ông bà không có gì để hỗ trợ, bồi thường vật chất cho gia đình nạn nhân bị tử vong. Sau thời gian ra viện trở về nhà, Cơ quan điều tra đã xác minh và kết luận ông Quân điều khiển xe máy chuyển hướng sai quy định. Đó là nguyên nhân gây ra vụ TNGT nghiêm trọng. Trước vi phạm này, ông Quân đã bị truy tố và đưa ra tòa án xét xử.

Giá như…!

Ngày ra tòa, ông Quân thành khẩn nhận lỗi khi điều khiển phương tiện không đúng quy định dẫn đến một thanh niên mãi mãi ra đi ở tuổi đời còn rất trẻ; còn ông tàn tật vĩnh viễn, trở thành gánh nặng cho gia đình. Ông xin lỗi gia đình nạn nhân chỉ vì chủ quan mà phải trả cái giá quá đắt. “Giá như hôm đó tôi cẩn thận hơn” – ông Quân hối tiếc.

Qua các tình tiết của vụ việc và hoàn cảnh gia đình, tòa tuyên phạt bị cáo Quân 5 năm tù treo. Nghe tin này, nhiều người dân ở địa phương mừng cho ông. Đến nay, ông Quân chấp hành bản án được 4 năm.

Không phải chấp hành án trong trại giam nhưng khổ cực vẫn mãi bám víu vào gia đình ông. Đứa con trai và con dâu gặp trục trặc trong hôn nhân. Cách đây chưa lâu, con dâu rời nhà ra đi, để lại 6 đứa con thơ, nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 13 tuổi.

Kể từ đó, người con trai của ông bà bị trầm cảm rồi nghỉ làm công nhân, hiện vẫn chưa xin được việc làm mới. Vậy là, 6 đứa trẻ do ông bà nuôi dưỡng, chăm sóc. Dường như thấu hiểu khổ cực của ông bà nên bọn trẻ rất ngoan ngoãn, đứa lớn đã biết phụ làm việc nhà và chăm nom các em.

Ông bà già nuôi 6 đứa cháu nhỏ trong ngôi nhà vỏn vẹn hơn 40m2 nằm heo hút trong xóm sâu của xứ Thạnh Lợi làm nhiều người ứa nước mắt. “Nhiều đêm, có đứa nào nóng sốt cũng làm vợ chồng tôi lo sợ, thức trắng” – bà Cúc trải lòng.

Vợ chồng ông Phạm Thanh Quân, bà Võ Thị Cúc (ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) bán vé số kiếm sống qua ngày

Theo bà Cúc, có lẽ hôn nhân của con trai tan rã cũng một phần do kinh tế gia đình kiệt quệ, áp lực cuộc sống quá lớn từ sau khi ông Quân bị TNGT. “Mẹ mấy đứa trẻ đã rời đi nhưng thỉnh thoảng có gọi điện về. Tháng vừa rồi, con dâu có gửi cho tui 2 triệu đồng để lo cho mấy đứa nhỏ” – bà Cúc nói. Biết hoàn cảnh bi thương, hàng xóm láng giềng, chính quyền địa phương thường đến hỏi thăm, động viên, thỉnh thoảng hỗ trợ ông bà nhu yếu phẩm và tặng quần áo cho bọn trẻ.

Như thường lệ, chiều muộn một ngày giữa tháng 11/2024, xấp vé số trên tay đã bán hết, ông Quân dùng hai cánh tay làm lực đẩy mạnh để lái chiếc xe lăn từ từ trên Đường tỉnh 816 đến địa điểm quen thuộc bởi ông biết, ở phía đầu kia đường, vợ đang đứng đợi để cùng ông trở về nhà. “Hàng ngày, bà ấy và tui bán vé số mỗi hướng khác nhau nhưng ngày nào cũng chờ nhau để về nhà. Nếu chờ lâu không thấy tui là bà ấy lại lo lắng” – ông Quân nói với chúng tôi.

Lời ông vừa dứt cũng là lúc chiếc xe lăn di chuyển đến vị trí. Lúc này bà Cúc đã đứng chờ và nhanh chóng đẩy phụ xe lăn đưa chồng về nhà. Thấy dáng ông bà nội về từ xa, 6 đứa trẻ thơ chạy ra vui mừng tíu tít.

Khi tôi hỏi về cuộc sống hiện tại, bà Cúc với vóc dáng nhỏ nhắn, gầy gò, khuôn mặt đầy vết chân chim, nghẹn ngào nói: “Trong hoàn cảnh này, bao nhiêu vất vả, khó nhọc, tôi nhận về mình để giữ cho mái ấm gia đình không đổ vỡ, các cháu được cưu mang, chồng có chỗ dựa lúc bệnh tật, già yếu. Đó là trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, người bà và còn là lao động chính. Tui chỉ mong có sức khỏe, hàng ngày bán hết vé số để lo cho gia đình. Nếu mình ngã quỵ thì chồng, con và các cháu sẽ ra sao”.

Ở tuổi xế chiều,vợ chồng ông Phạm Thanh Quân, bà Võ Thị Cúc (ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) còn gánh gồng nuôi những đứa cháu thơ dại

Trong thời gian chờ vợ làm cơm, ông Quân lấy cây đàn guitar ở góc tường, ngồi trên xe lăn thể hiện tài nghệ đàn, hát của mình. Ông hát những bản tình ca, nhạc trữ tình bolero nghe man mác buồn như chính nỗi lòng, tâm trạng của ông. Nhìn 6 đứa cháu, ông lạc giọng, tiếng đàn cũng lặng im. Tâm sự với chúng tôi, ông chỉ nói một điều “hy vọng các cháu mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”./.

Đến thăm hỏi và tặng quà vợ, chồng ông Quân, bà Cúc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh – Đặng Hoàng Tuấn xúc động với hoàn cảnh của gia đình. Ông nói, TNGT không chỉ là nỗi đau, mất mát về tính mạng, sức khỏe con người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn chồng chất. Ông mong muốn bà con lối xóm và đề nghị chính quyền địa phương, các đoàn thể quan tâm động viên, giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Cũng theo ông Tuấn, vào tối ngày 21/11/2024, tại huyện Bến Lức tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT. Qua các hoạt động nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ gây ra TNGT; nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, phòng tránh TNGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; góp phần thực hiện mục tiêu giảm TNGT trong năm 2024. Bên cạnh đó, kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng với những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT.

(còn tiếp)

Bài 2: Nỗi đau người ở lại

Lê Đức

Nguồn: https://baolongan.vn/tai-nan-giao-thong-noi-dau-cung-cuc-tuoi-xe-chieu-con-chiu-canh-bi-thuong-bai-1–a185717.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây