Xe máy hiện vẫn là phương tiện chủ yếu của người trong độ tuổi lao động. Nhưng hơn 90% nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe máy. Do đó, cần có làn đường dành riêng cho phương tiện này.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, xe máy hiện vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nước ta. Tính đến tháng 9, cả nước đã có trên 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy của Việt Nam lên tới 770 xe/1000 dân, thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều đáng lo ngại, 60-70% số vụ tai nạn giao thông lại liên quan tới xe máy.
Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, mô tô, xe máy chiếm 93% phương tiện, số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe máy chiếm hơn 90%.
Ngoài ý thức tham gia của người giao thông, theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng còn có nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ tai nạn giao thông cao đối với người đi xe máy.
Theo đó, những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn thiết kế… dẫn tới tình trạng giao thông hỗn hợp và rất khó tách làn cho xe máy.
Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Ảnh: N. Huyền
“Tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy mới được ban hành dưới dạng hướng dẫn tham khảo và chưa được áp dụng một cách rộng rãi. Nếu quản lý tốt sẽ giảm được rất nhiều tai nạn giao thông cho người đi xe máy”, ông Trần Hữu Minh phân tích.
Đồng quan điểm này, ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang xây dựng pháp luật, văn hóa giao thông an toàn cho người đi xe máy dựa trên triết lý an toàn cho ô tô. Do đó, dù nỗ lực nhưng kết quả còn hạn chế, tuy nhiên ông Hùng nhấn mạnh cần phải kiên trì để chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng giao thông an toàn cho xe máy.
Cụ thể, phải có đường an toàn dành cho người đi xe mô tô, xe máy, đây là vấn đề của cơ quan quản lý cần phải giải quyết. Đa số những người sử dụng mô tô, xe máy tại Việt Nam là những người trong độ tuổi lao động, đang trực tiếp đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng của đất nước. Chính vì vậy, loại phương tiện họ lựa chọn sử dụng xứng đáng có được hạ tầng kết cấu an toàn, để họ tham gia giao thông an toàn.
Lấy kinh nghiệm từ Malaysia, TS. Kim Beng LUA, Trưởng Khu vực châu Á và châu Phi, Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu cho biết, tại Malaysia, việc thiết kế làn đường riêng dành cho xe máy song song với đường cao tốc giúp giảm 25% các vụ tai nạn thương tích
Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia giao thông cho biết, việc thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp, xe máy sẽ khuyến khích nhóm người đi xe đạp; hạn chế tai nạn đối với người điều khiển xe máy.
“Thậm chí trong một số tình huống, giờ cao điểm còn hạn chế tình trạng ùn tắc do xung đột dòng xe, các loại xe tại các ngã tư, ngã năm”, vị này thông tin.
Chuyên gia trên lấy dẫn chứng tại Canada khi thủ đô nước này đang tổ chức giao thông theo hướng vỉa hè dành cho người đi bộ giới hạn tốc độ dưới 5km/h, tiếp giáp là làn đường dành cho xe đạp, xe đạp có trợ lực được giới hạn tốc độ từ 20-25km/h. Làn đường chính dành cho ô tô hoặc mô tô hai bánh có giới hạn tốc độ từ 30 – 40 – 50km/h. Việc chia tách cụ thể làn đường như thế giúp đảm bảo ATGT cho các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện hạng nhẹ, dễ bị tổn thương.
N. Huyền
Nguồn: https://vietnamnet.vn/xe-may-chiem-93-phuong-tien-can-co-lan-duong-rieng-2339415.html