Thời gian qua, thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, các ngành, địa phương của tỉnh Tiền Giang đã huy động nguồn vốn ngân sách và đặc biệt là sự đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Tuy nhiên, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên các tuyến đường nông thôn tăng cao, đáng báo động.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TNGT
Hiện nay, các tuyến đường giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm kết nối các ấp, xã, phường, thị trấn và các địa phương với nhau. Điển hình như trên địa bàn huyện Cái Bè, thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư đạt chuẩn 69/69 tuyến đường xã, chiều dài hơn 182,9 km (đạt 100%); đầu tư đạt chuẩn 107/109 tuyến đường ấp, đường liên ấp, dài 233/235 km (đạt 99,15%); đầu tư đạt chuẩn 650/691 tuyến đường dân sinh dài 875,8/938,3 km (đạt 93,33%). Còn trên địa bàn huyện Cai Lậy có 313 tuyến đường xã, chiều dài 587,8 km.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số tuyến đường không thể mở rộng do không giải phóng được mặt bằng (người dân không đồng thuận hiến đất, ảnh hưởng hệ thống lưới điện…). Trong đó, nhiều cây trồng, nhà ở, công trình lấn chiếm hành lang đường bộ che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nông thôn kéo theo sự gia tăng các phương tiện giao thông ở vùng nông thôn nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân lại còn nhiều hạn chế. Do đó, tình trạng vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) diễn ra khá phổ biến.
Va chạm giao thông tại nút giao giữa đường huyện 19 – đường Lộ Rỗi và đường Hội Đồng, ấp Lợi An, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây.
Mặt khác, đối với các điểm đấu nối vào quốc lộ mà việc tổ chức giao thông tự điều chỉnh (không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông xanh – vàng – đỏ), các điểm đấu nối giữa đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn với các tuyến quốc lộ có lượng phương tiện giao thông ra vào thường xuyên, nguy cơ xảy ra mất ATGT và TNGT rất cao. Do các điều kiện ATGT chưa được đầu tư lắp đặt như: Biển cảnh báo, gờ giảm tốc và vạch dừng xe khiến cho người tham gia giao thông từ đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn ra quốc lộ chủ quan, thiếu chú ý quan sát, không chủ động giảm tốc tộ.
Đó là chưa nói một số tuyến đường giao thông nông thôn còn xuất hiện tình trạng người dân trồng hoa kiểng, cá biệt có trường hợp trồng rau màu, cây ăn trái, các loại cây xanh, đổ vật liệu xây dựng, họp chợ, làm rạp đám tiệc, lấn chiếm lòng, lề đường… che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Bên cạnh đó, trên các tuyến đường huyện, đường liên xã, liên ấp, rất nhiều trường hợp vi phạm quy định về trật tự, ATGT như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đặc biệt là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của một số thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi được phép điều khiển xe máy, hoặc chưa đủ tuổi điều khiển xe trên 100 cm3.
Nhiều thanh, thiếu niên sử dụng xe độ chế, thay đổi kết cấu tham gia giao thông. Xe máy độ chế được một bộ phận thanh, thiếu niên sử dụng không chỉ vận chuyển nông sản cồng kềnh, mà phóng nhanh, vượt ẩu, rú ga, nẹt pô… làm nhiều người đi đường cảm thấy hoang mang, lo lắng. Các em học sinh chạy xe máy hàng hai, hàng ba.
Tình trạng thanh niên thường sử dụng rượu, bia điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, trong khi kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống kém, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm, TNGT trên các tuyến giao thông nông thôn do sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, trong 10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 264 vụ TNGT, làm chết 179 người, bị thương 149 người. Riêng các tuyến giao thông nông thôn xảy ra 18 vụ, làm chết 11 người và làm bị thương 11 người. So với cùng kỳ, tăng 5 vụ TNGT, tăng 3 người chết và tăng 5 người bị thương. Trong đó, huyện Châu Thành và huyện Cái Bè có số vụ TNGT nông thôn tăng.
ĐỂ ĐƯỜNG QUÊ KHÔNG CÒN ĐIỂM “NÓNG” VỀ TNGT
Theo Ban ATGT huyện Châu Thành, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT nông thôn trên địa bàn là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khi đường vắng, thông thoáng, điều khiển xe tốc độ cao cùng với kỹ năng lái xe, xử lý tình huống kém…
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ lãnh đạo một số nơi còn lơ là trong triển khai, chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến tình trạng chủ quan, buông lỏng công tác bảo đảm trật tự, ATGT; các bất cập, điểm tiềm ẩn nguy cơ về mất ATGT, “điểm đen” TNGT vẫn còn nhiều nơi, nhất là ở các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn, như: Thiếu biển báo hiệu, mặt đường xuống cấp, tình trạng xây dựng nhà, lều quán, trồng cây, bụi rậm che khuất tầm nhìn tại các đoạn cong, điểm giao nhau… nhưng các lực lượng liên quan chưa chủ động phối hợp khảo sát, phát hiện, báo cáo, kiến nghị cơ quan chức năng để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa TNGT.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là một số tuyến đường đang thi công nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATGT; một số tuyến sau khi xây dựng không được duy tu, bảo dưỡng đã và đang xuống cấp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm.
Ngoài ra, trên các tuyến giao thông nông thôn còn xảy ra tình trạng phương tiện tham gia giao thông có tải trọng vượt thiết kế của đường. Tình trạng vi phạm trật tự, ATGT ở vùng nông thôn phổ biến, ngoài ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chưa cao thì một phần do lực lượng chức năng còn mỏng, ít tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, chưa giám sát hết các hành vi vi phạm, địa bàn quản lý.
Nhiều giải pháp đã được các cấp, các ngành đưa ra để các tuyến đường quê không còn là điểm “nóng” về TNGT. Để bảo đảm ATGT các tuyến giao thông nông thôn, vấn đề quan trọng là phải chuyển biến nhận thức và hành động của người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách thường xuyên liên tục. Công an các địa phương cần huy động lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là các tuyến đường có nhiều người và phương tiện tham gia giao thông, các tuyến đường thường xảy ra TNGT…
Trong quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, các địa phương quan tâm bảo đảm hành lang ATGT đường bộ; huy động tham gia của nhân dân để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, phát quan cây cối che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT của chính quyền cơ sở. Ban ATGT các xã vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; không xây dựng, cơi nới, đổ vật liệu xây dựng và che rạp tổ chức đám tiệc lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT đường bộ; không họp chợ, buôn bán, trao đổi hàng hóa trên các tuyến đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT…
Ngoài ra, ở mỗi ấp, khu phố cần thành lập các tổ tuyên truyền về ATGT lấy thành phần nòng cốt là Trưởng ấp, khu phố, Bí thư Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền, vận động người dân. Các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội cần đưa việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, xét công nhận gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa…; ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn, từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở vùng nông thôn, góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn…
HÀ NAM – QUANG TRUNG – T.T
Nguồn: http://baoapbac.vn/an-toan-giao-thong/202411/bao-dam-an-toan-tren-nhung-tuyen-duong-que-1026409/