Dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình trật tự ATGT ở Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp khi tai nạn gia tăng ở cả 3 tiêu chí.
Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật với người tham gia giao thông trên quốc lộ 1.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác bảo đảm trật tự (ATGT) trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục được lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm, chủ động triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh.
Tình hình trật tự ATGT các đợt cao điểm nghỉ lễ, tết cơ bản ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn cho người dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biển pháp luật và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông được lượng chức năng toàn tỉnh tiếp tục duy trì nghiêm, thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là việc tuân thủ quy định “đã uống rượu, bia – không lái xe”.
Chỉ riêng lực lượng công an đã phát hiện lập biên bản 36.701 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (tăng 20.081 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023), phạt tiền gần 73,1 tỷ đồng, trong đó có 7.653 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 5.096 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023), 33 trường hợp ma túy, phạt tiền trên 29 tỷ đồng.
Nỗ lực là vậy, song, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT).
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa 3 ô tô trên quốc lộ 1 qua xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên xảy ra ngày 8/6 khiến 3 người tử vong.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 233 vụ TNGT, làm chết 111 người, bị thương 160 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 67 vụ (tăng 40%), tăng 13 người chết (tăng 13,3%), tăng 64 người bị thương (tăng 67%).
Một số địa phương có tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp như huyện Thạch Hà tăng 12 vụ, tăng 5 người chết, tăng 12 người bị thương; huyện Kỳ Anh tăng 8 vụ, tăng 5 người chết, tăng 4 người bị thương; huyện Lộc Hà tăng 7 vụ, tăng 3 người chết, tăng 9 người bị thương; huyện Cẩm Xuyên tăng 13 vụ, tăng 10 người bị thương; huyện Hương Khê tăng 10 vụ, tăng 1 người chết, tăng 8 người bị thương…
Lý giải về nguyên nhân TNGT ở địa phương tăng cả 3 tiêu chí, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa nói rằng, ngoài việc có các tuyến quốc lộ trọng điểm đi qua, hiện nay, trên địa bàn đang triển khai thi công nhiều dự án, công trình trọng điểm (, đường dây 500kV, dự án VSIP) nên số lượng phương tiện vận tải tăng lên nhanh. Việc này cùng với ý thức chấp hành pháp luật ATGT của một bộ phận người dân còn chưa tốt dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Để phục vụ thi công các công trình trọng điểm, số lượng xe tải chở vật liệu xây dựng gia tăng trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, bà Dương Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nhìn nhận việc lượng phương tiện gia tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được đã gây áp lực lớn lên công tác đảm bảo trật tự ATGT, ảnh hưởng đến tình hình, hiệu quả kiềm chế và kéo giảm TNGT.
“Trong các tuyến giao thông trọng điểm ở huyện Kỳ Anh, quốc lộ 1, quốc lộ 12C, tuyến tránh TX Kỳ Anh hay đường ven biển Hà Tĩnh chiếm phần lớn số vụ TNGT. Tuy nhiên, hiện trên các tuyến đường này vẫn còn có bất cập hạ tầng giao thông cần cơ quan quản lý đường bộ và ngành chức năng vào cuộc xử lý” – bà Dương Thị Vân Anh thông tin.
Tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định pháp luật về Luật Giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra khá nhiều.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Qua công tác khám nghiệm, điều tra từ lực lượng chức năng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT phần lớn xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân còn chưa cao. Việc chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 80% nguyên nhân các vụ TNGT.
“Điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, chất kích thích hay thiếu chú ý quan sát, chuyển hướng sai quy định, đi sai phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, không nhường đường và lỗi trong quy trình thao tác lái xe chính là những nguy cơ cao tiềm ẩn dẫn tới TNGT” – ông Nguyễn Văn Tân đánh giá.
Cùng với đó, thời gian qua, số vụ TNGT liên quan tới người già trên 70 tuổi và lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên cũng diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp kiềm chế.
Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông có ý nghĩa quan trọng trong kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.
Đại tá Đặng Hoài Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh đánh giá, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 diễn biến hết sức phức tạp khi gia tăng trên cả 3 tiêu chí. Điều này đặt ra nhiều thách thức với mục tiêu đề ra của tỉnh là phấn đấu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông so với năm 2023.
Theo Đại tá Đặng Hoài Sơn, dù một số vụ TNGT có liên quan tới người ngoại tỉnh, tuy nhiên, qua số liệu thống kê cho thấy, hơn 70% người gây tai nạn và nạn nhân có một phần lỗi, là người thường trú trên địa bàn Hà Tĩnh.
Vậy nên, để kéo giảm TNGT, bên cạnh việc khắc phục bất cập hạ tầng giao thông, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần tập đi sâu vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân.
Việc tuyên truyền có thể theo các chuyên đề, nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi hạn chế điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến trọng điểm, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện đông; phụ huynh không giao xe cho người chưa đủ tuổi và người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện; thợ xây, thợ nghề dân dụng hạn chế sử dụng rượu, bia sau khi kết thúc ngày lao động; tổ chức soát xét các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn chưa có giấy phép lái xe để tuyên truyền và mở các lớp đào tạo…
Video: Vụ TNGT nghiêm trọng ở xã Cẩm Thịnh từ camera hành trình của xe đầu kéo BKS 63C – 07668.
Văn Đức
Nguồn: https://baohatinh.vn/do-dau-tai-nan-giao-thong-o-ha-tinh-van-phuc-tap-post270149.html