Trong bối cảnh số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn quốc gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai trở thành ‘điểm sáng’ khi kéo giảm được 2 tiêu chí quan trọng là số vụ và số người chết do TNGT.
Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng
Đồng Nai là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) khi có lượng phương tiện giao thông lớn và nhiều tuyến quốc lộ, đường cao tốc đi qua. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhờ triển khai 3 giải pháp đồng bộ, toàn tỉnh đã kéo giảm số vụ TNGT và số người chết do TNGT, hạn chế ùn ứ giao thông.
3 giải pháp trọng tâm đảm bảo ATGT
Cụm nút giao Cổng 11 (thành phố Biên Hòa) là nơi giao cắt của 3 tuyến đường lớn gồm: Võ Nguyên Giáp, Bùi Văn Hòa và quốc lộ 51. Đây là khu vực thường xảy ra TNGT vào năm 2023 và là “điểm nóng” về ùn ứ giao thông trong quý I-2024. Các đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban ATGT quốc gia khi làm việc tại Đồng Nai vào năm 2023 và tháng 4-2024 đều đánh giá nguy cơ mất ATGT, ùn ứ giao thông ở khu vực này rất cao.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện hàng loạt giải pháp để ngăn ngừa TNGT và chống ùn ứ giao thông tại đây. Điển hình như: điều chỉnh pha đèn, thu hẹp bán kính vòng xoay Cổng 11, lắp đặt các biển báo phân làn, bố trí dải phân cách biên… với mục tiêu hạn chế các tình huống “xung đột giao thông” giữa xe máy và xe ô tô, qua đó kiểm soát TNGT.
Ông Phan Việt Anh (ngụ thành phố Biên Hòa) nhìn nhận: “Sau khi tổ chức phân luồng giao thông khu vực cụm nút giao Cổng 11, các xe qua lại tuy có chậm nhưng không bị dồn ứ và kẹt cứng như trước đây. Người điều khiển xe máy cũng yên tâm hơn khi đi qua khu vực cụm nút giao Cổng 11. Tuy nhiên, để việc lưu thông thuận lợi, cần có các giải pháp căn cơ hơn nữa như: bố trí cầu vượt, hầm chui ở khu vực cụm nút giao này”.
Theo UBND tỉnh, việc khắc phục, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT là kết quả nổi bật trong công tác đảm bảo ATGT của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, cuối năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 18 “điểm đen” TNGT, 3 điểm tiềm ẩn TNGT và 22 vị trí bất cập về hạ tầng giao thông. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã xử lý được 13 “điểm đen”, 2 điểm tiềm ẩn TNGT và 17 vị trí bất cập về hạ tầng giao thông, góp phần kiềm chế TNGT.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp quý III-2024 vào ngày 12-7, đại diện UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hỗ trợ triển khai xây dựng nút giao khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) tại ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11. Riêng với tuyến quốc lộ 51, đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục quan tâm công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa hư hỏng mặt đường đảm bảo ATGT.
Đây cũng là một trong 3 giải pháp mà Đồng Nai đặt ra để kéo giảm TNGT trong 6 tháng đầu năm 2024 mà Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Võ Tấn Đức đã nhấn mạnh sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc Đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp quý III-2024 vào ngày 12-4. Cụ thể gồm các giải pháp: bố trí lực lượng tuần tra và xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao; xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT và bất cập về hạ tầng giao thông; kiểm tra các địa phương có tình hình trật tự ATGT phức tạp, TNGT tăng cao trong những tháng đầu năm 2024.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã bố trí hơn 14 ngàn tổ tuần tra kiểm soát giao thông, qua đó đã phát hiện và lập biên bản đối với hơn 123,3 ngàn trường hợp (so với cùng kỳ năm 2023, tăng hơn 68,7 ngàn trường hợp. Trong đó, vi phạm về nồng độ và tốc độ chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 16,7 ngàn trường hợp).
Nhờ vậy, tình hình TNGT trong nửa đầu năm 2024 được kiềm chế, kéo giảm. Thống kê từ Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 326 vụ TNGT, làm chết 230 người, bị thương 176 người. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 7 vụ TNGT, giảm 66 người chết, tăng 42 người bị thương.
TNGT xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ chính, có mật độ phương tiện giao thông cao và khu vực đông dân cư. Cụ thể, trên các tuyến quốc lộ xảy ra 107 vụ TNGT (chiếm 32,92%); các tuyến nội thị, thành phố xảy ra 63 vụ (chiếm 19,38%), tuyến đường tỉnh, huyện xảy ra 133 vụ (chiếm 40,92%)… Trong đó, tuyến tăng 3 tiêu chí về TNGT (số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT) gồm: quốc lộ 51 và quốc lộ 56. Các địa bàn, tuyến giảm cả 3 tiêu chí gồm: quốc lộ 20 và các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Nhơn Trạch.
Kéo giảm TNGT trên quốc lộ
UBND tỉnh đánh giá, mặc dù tình hình TNGT trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm tích cực nhưng tình hình ATGT tại Đồng Nai vẫn còn những bất cập, hạn chế. Trong đó có 3 vấn đề được lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra và yêu cầu các địa phương, đơn vị quan tâm xử lý.
Cụ thể là: hành lang ATGT đường bộ vẫn còn bị chiếm dụng để buôn bán, nhiều biển báo không còn phù hợp với thực tế; tình trạng ném đất, đá, chất bẩn lên tàu gây mất ATGT chạy tàu, gây nhiều thiệt hại về tài sản vẫn tiếp tục xảy ra; tình hình ATGT trên các tuyến quốc lộ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là quốc lộ 51 khi mặt đường tuyến đường này nhiều vị trí bị hư hỏng, xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, vạch sơn mòn mờ, có mật độ phương tiện xe tải, xe đầu kéo rất lớn phục vụ cho hoạt động vận chuyển vật liệu thi công các dự án trọng điểm.
Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương duy trì hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy; chạy quá tốc độ; không bảo đảm khoảng cách an toàn, vi phạm về phần đường, làn đường…
Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản một trường hợp chở hàng cồng kềnh trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa. Ảnh: ĐĂNG TÙNG
Đối với các tuyến quốc lộ có TNGT tăng (quốc lộ 51 và quốc lộ 56), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiến hành sơ kết 6 tháng trong lực lượng để đánh giá, phân tích nguyên nhân TNGT tăng, từ đó chỉ đạo các đội, trạm trên các tuyến xây dựng cụ thể kế hoạch tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các vị trí thường xuyên xảy ra TNGT.
Bên cạnh vấn đề kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông, trong thời gian 6 tháng cuối năm 2024, theo cơ quan chức năng, còn một vấn đề đáng lo là ùn ứ giao thông. Điển hình như tại nút giao ngã tư Vũng Tàu và cụm nút giao Cổng 11 (đều thuộc thành phố Biên Hòa), Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp chống ùn ứ giao thông, bước đầu được kiềm chế nhưng tình trạng ùn ứ vẫn diễn biến phức tạp.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình cho hay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi làm việc tại Đồng Nai về việc đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại cụm nút giao Cổng 11, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải xử lý. Về lâu dài, khi đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành, đi vào khai thác thì đây sẽ là điểm ùn ứ giao thông rất nghiêm trọng nếu không sớm triển khai xây dựng nút giao khác mức.
Đăng Tùng
Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa.
Ảnh: Đ.Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202407/giai-phap-can-co-de-keo-giam-tai-nan-giao-thong-79e5a0a/