Chỉ trong ít ngày, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đã tiếp nhận và chuyển viện 2 trường hợp trẻ em bị chấn thương sọ não sau tai nạn ngã xe đạp. Đây là những vụ việc đáng báo động, cho thấy nguy cơ tai nạn giao thông và chấn thương sọ não ở trẻ em luôn hiện hữu.
Ảnh minh họa
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân L.G.H, 16 tuổi, trú tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả. Bệnh nhân H nhập viện vào lúc 20h30 ngày 3/8/2024 trong tình trạng đau đầu, nôn sau khi ngã xe đạp. Các bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh nhân có sưng nề vùng thái dương phải, vết xây xát ở tay, chân, gối. Kết quả chụp CT scan sọ não cho thấy bệnh nhân bị tụ máu dưới và ngoài màng cứng vùng chẩm phải, xuất huyết rãnh liên bán cầu trước, vỡ xương trán – thái dương – chẩm phải, vỡ xương đỉnh trái kèm tụ khí nội sọ rải rác. Bệnh nhân H được sơ cấp cứu, giảm đau, chống phù não và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị tiếp.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân T.M.K, 10 tuổi, trú tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả. Bệnh nhân K nhập viện vào lúc 20h32 ngày 6/8/2024 trong tình trạng đau, chảy máu vùng đầu sau khi ngã xe đạp. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị sưng nề, vết rách da kích thước khoảng 1cm ở vùng đỉnh trái, trầy xước da ở cổ, vai và gối trái. Chẩn đoán chụp CT scan sọ não cho thấy bệnh nhân có vỡ lún xương đỉnh trái kèm phù nề, tụ khí mô mềm vị trí tổn thương. Bệnh nhân K được cấp cứu, băng cầm máu vết thương và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị.
Qua 2 trường hợp trên, các bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả khuyến cáo, chấn thương sọ não do tai nạn ngã xe đạp là một loại chấn thương khá nặng, có thể để lại di chứng nặng nề cho trẻ, như liệt, tổn thương não vĩnh viễn. Do đó, khi tham gia các hoạt động thể thao tốc độ như đi xe đạp, ván trượt, patin…, trẻ cần phải đội mũ bảo hiểm và sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân để hạn chế chấn thương khi bị ngã. Nếu trẻ bị té ngã và có biểu hiện bất thường, cần phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc kịp thời, nhằm giảm thiểu các di chứng về sức khỏe sau này.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giáo dục ý thức cho trẻ về phòng ngừa tai nạn ngã, thường xuyên nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi; không leo trèo: trèo cây, trèo tường, cột điện, cầu thang…
Cha mẹ cần đảm bảo an toàn tại nhà, trường học và các địa điểm khác mà trẻ thường lui tới, như giữ sàn nhà, nhà tắm, sân không trơn trượt, không có bậc, mấp mô. Khi trẻ bị té ngã, cần nhanh chóng sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất, tùy theo mức độ chấn thương.
Tai nạn ngã là loại thương tích phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ hiếu động. Hầu hết tai nạn ngã chỉ gây ra các vết thương nhẹ, như bầm, xây xát da. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trẻ bị chấn thương nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần nâng cao ý thức phòng ngừa, thường xuyên nhắc nhở trẻ chú ý an toàn, đồng thời cũng cần chuẩn bị các biện pháp sơ cứu khi trẻ bị tai nạn.
Khi trẻ té ngã, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên quan sát, tìm hiểu nguyên nhân gây cho trẻ ngã để có cách xử lý thích hợp. Nếu chấn thương nhẹ như bầm, tím, xây sát da thì phải rửa bằng nước sạch, sát trùng và băng lại.
Nếu chấn thương nặng như gãy xương, chảy máu thì phải cố định xương và cầm máu bằng cách băng ép sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Bảo Long
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chan-thuong-so-nao-nghiem-trong-do-nga-xe-dap-o-tre-em-390766.html