Trang chủ Thái Nguyên Triển khai Nghị định 100: Thái Nguyên và phương châm đặc biệt...

Triển khai Nghị định 100: Thái Nguyên và phương châm đặc biệt ‘4 không’ (kỳ 2)

10
0

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 ra đời và có hiệu lực với mức xử phạt hành chính rất cao, đã thực sự tạo ra một ‘cú hích’ trong xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Số trường hợp bị xử phạt tăng, tai nạn giao thông được kéo giảm – đây là những minh chứng rõ nét nhất.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 ra đời và có hiệu lực với mức xử phạt hành chính rất cao, đã thực sự tạo ra một “cú hích” trong xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Số trường hợp bị xử phạt tăng, tai nạn giao thông (TNGT) được kéo giảm – đây là những minh chứng rõ nét nhất. Và một kết quả quan trọng khác chính là Nghị định 100 đã thực sự làm thay đổi nhận thức, thói quen của đại bộ phận người dân trong việc sử dụng rượu, bia và tham gia giao thông. Thái Nguyên cũng không phải ngoại lệ.

Thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định 100 cũng là lúc Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cận kề. Với tinh thần “bắt tay thực hiện ngay”, đồng chí Trịnh Việt Hùng (Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh) yêu cầu: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố nhanh chóng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân chấp hành nghiêm quy định “đã uống rượu, bia không lái xe”; thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đặt trên 10.000 cuốn Nghị định 100 và các tài liệu trích Nghị định để cấp phát, trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền rộng rãi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100 để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Chủ công trong xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông Thái Nguyên đã bắt tay ngay vào khảo sát, nắm tình hình các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn, quán bar, vũ trường, quán karaoke… để tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đội công tác đặc biệt 252 của Công an tỉnh thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của học sinh, thanh, thiếu niên về nồng độ cồn… Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông Thái Nguyên đã triển khai chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn trên phạm vi toàn tỉnh.

Cùng với cả nước, 4 năm qua, Thái Nguyên đã xử lý rất quyết liệt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Minh chứng thể hiện qua việc năm 2021, lực lượng chức năng của tỉnh chỉ phạt 1.472 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhưng năm 2023 xử lý đến 13.954 trường hợp.

Tính chung từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/6/2024, lực lượng chức năng Thái Nguyên đã phát hiện, xử lý 26.510 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn (cao hơn con số của bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đó). Tai nạn giao thông trên địa bàn liên tục giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Có thể thấy, với chế tài đủ mạnh và sự kiên quyết, bền bỉ, nghiêm khắc của lực lượng chức năng, đến nay Nghị định 100 đã “phủ sóng” toàn diện.

Nghị định 100 đã tác động sâu rộng đến đông đảo người dân. Thông qua việc triển khai Nghị định và xử lý vi phạm, các quy định dần “ngấm” vào đời sống thường nhật.

Với tinh thần không có ngoại lệ, từ năm 2020 đến ngày 15/6/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông Thái Nguyên đã xử phạt 393 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn. Các trường hợp này đều bị gửi thông tin vi phạm về nơi công tác, tổ chức đảng nơi sinh hoạt để xử lý theo đúng quy định, không che giấu hay nể nang.

Đơn cử như tại huyện Võ Nhai, có trường hợp là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, có người là chủ tịch UBND xã bị xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã tự giác báo cáo, giải trình cấp ủy, chính quyền nơi công tác.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là yêu cầu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra về xử lý tất cả các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Riêng đối với Thái Nguyên, yêu cầu này được tỉnh nâng cấp thêm “2 không” là “không có ngày nghỉ” và “không có điểm dừng”.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (8 đến 14/2/2024), lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố đã phân công 1.248 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia 176 ca tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý và lập biên bản 1.200 trường hợp, trong đó vi phạm về nồng độ cồn là 715 trường hợp.

Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức 159 ca tuần tra kiểm soát, lập biên bản 1.475 trường hợp vi phạm, trong đó có 594 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Việc làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã giúp Thái Nguyên có nhiều năm liên tiếp kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông quốc gia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực đến ý thức xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông. Năm 2020 (năm đầu triển khai Nghị định 100), TNGT trong toàn quốc đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm với số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20%, lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người.

TNĐT

Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202408/trien-khai-nghi-dinh-100-thai-nguyen-va-phuong-cham-dac-biet-4-khong-ky-2-76a1f5f/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây