Trong bối cảnh các tỉnh lân cận đang tăng nóng về tai nạn giao thông thì Hà Nam lại lặng lẽ đạt được kết quả đáng khâm phục là TNGT giảm sâu ở cả 3 tiêu chí.
TNGT giảm sâu ở 3 tiêu chí
Ông Nguyễn Quang Tuyển – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra 144 vụ TNGT, làm chết 66 người, bị thương 98 người. So với cùng kỳ năm 2023, TNGT giảm 6 vụ (giảm 4%), giảm 15 người chết (giảm 18,5%) và giảm 13 người bị thương (giảm 11,7%).
Đặc biệt, trong 6 tháng, trên địa bàn không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến. Đây được xem là kết quả ấn tượng nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây”.
Lực lượng chức năng giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong cabin ô tô sau tai nạn.
Cần phải lưu ý rằng, Hà Nam không giống như các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Hà Nam là cửa ngõ giao thương vô cùng quan trọng ở phía nam thủ đô Hà Nội, với mật độ người, phương tiện lưu thông trên các tuyến rất lớn. Đó là chưa kể, hiện nay Hà Nam đang tập trung cho phát triển hạ tầng gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp và khu đô thị… nên thu hút lượng lớn người, phương tiện các nơi đổ xô về đây làm việc.
Ngoài ra, tỉnh này cũng là vùng mỏ nguyên liệu, mỏ khoáng sản gần lớn nhất ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nên hàng ngày có hàng nghìn phương tiện từ các tỉnh về đây mua hàng, rồi lại vận chuyển đất đá, xi măng, vôi, cát… đưa đi các nơi. Nếu chỉ nhìn vào số liệu báo cáo thì không ai hiểu, để có được 4 chữ “giảm 3 tiêu chí” thì các cấp ngành ở Hà Nam đã nỗ lực như thế nào trong 6 tháng đầu năm 2024.
Lực lượng CSGT về tận trường hợp để tuyên truyền ATGT và kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với các em học sinh.
“Có hai điểm mấu chốt giúp Hà Nam đạt được kết quả giảm tai nạn chính là các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, xử lý từ sớm và công tác chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban ATGT một cách sát sao, có trọng tâm trọng điểm theo diễn biến trật tự xã hội, nhất là đối với các vấn đề nổi cộm, điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT”, ông Tuyển chia sẻ.
Theo báo cáo của Hà Nam, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, khắc phục và xử lý dứt điểm 3/8 điểm đen TNGT, 5 điểm đen đã khắc phục một phần đang chờ phê duyệt hồ sơ để xử lý hoàn thiện; 9/13 điểm tiềm ẩn được khắc phục; xử lý 60 điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông.
Ngoài ra, đang đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xử lý cải tạo 2 nút giao mất an toàn tại Km 87+700 QL38 và Km 235+885 QL1. Đồng thời, lập kế hoạch khắc phục nốt 79 điểm bất cập trong tổ chức giao thông, xử lý đóng vĩnh viễn 6 điểm đấu nối trái phép vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gây mất ATGT.
Trong công tác tuyên truyền, năm nay Hà Nam đã có những đổi mới rõ nét. Các đơn vị thay vì chờ cấp trên, chờ phối hợp đã tự tổ chức tuyên truyền tại cơ quan, đơn vị, trường học của mình trên cơ sở kế hoạch chung mà Ban ATGT tỉnh đã giao cho các đơn vị từ đầu năm.
Cách làm này đã biến đối tượng được tuyên truyền trở thành chủ thể, rồi chính họ lại thành tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, khu xóm và cộng đồng.
Lực lượng thanh tra Sở GTVT Hà Nam tăng cường kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường trục chính dẫn vào các vùng mỏ.
Đặc biệt, Công an tỉnh Hà Nam còn có sáng kiến kêu gọi toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT theo phương châm “Mỗi người dân là một chiến sỹ CSGT phát hiện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”. Lực lượng này cũng lập ra các kênh tiếp nhận như: lập đường dây nóng, mở hộp thư và thiết lập thêm các kênh tiếp nhận trên không gian mạng như: email, zalo, facebook…
Tăng cường phạt nguội để thay đổi ý thức người dân
“Dù TNGT trên địa bàn có giảm, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn rất phức tạp. Đối với Hà Nam, chúng tôi luôn nhìn thẳng vào vấn đề để có giải pháp, biện pháp khắc phục và xử lý. Hàng tháng, Ban đều đưa ra đánh giá chi tiết cụ thể những việc làm được, chưa được, những vấn đề phát sinh mới, những thứ còn tồn tại để yêu cầu khắc phục.
Mỗi quý, chúng tôi lại tổ chức họp sơ kết để các đơn vị có báo cáo chi tiết tình hình ở địa phương, để cùng phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp để từ đó thống nhất cách làm nhằm hạn chế, kéo giảm TNGT.
Riêng đối với các địa phương mà TNGT có chiều hướng tăng, thì chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết, cụ thể để khắc phục ngay. Những địa phương giảm thì cũng phải báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm”, ông Tuyển chia sẻ.
Ngã tư giao giữa quốc lộ 1A và quốc lộ 21A được tổ chức lại giao thông sau các vụ tai nạn và va chạm giao thông. Từ đó đến nay, ở đây đã không còn xảy ra tai nạn.
Là một trong ba địa phương tăng tai nạn trong 6 tháng, huyện Thanh Liêm đang đề ra một loạt các giải pháp để khắc phục, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2024 sẽ kéo giảm tai nạn. Thiếu tá Trần Đăng Khoa – Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Thanh Liêm, thẳng thắn nhìn nhận: Khi điều tra giải quyết tai nạn, chúng tôi thấy rằng có đến hơn 90% các vụ TNGT xảy ra ở trên địa bàn là do ý thức của người tham gia giao thông.
Có những thứ gọi là quy tắc tham gia giao thông căn bản, như: đến nơi giao cắt giảm tốc độ, dừng quan sát trước khi sang đường, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, hay nhường đường cho xe lưu thông trên tuyến chính… người dân cũng không thực hiện, dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo thiếu tá Khoa, để thay đổi ý thức người dân trong thời gian ngắn là rất khó nhưng vẫn phải thực hiện và phải có sự vào cuộc của toàn xã hội: Bắt đầu từ việc tăng cường tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân; thắt chặt đào tạo, cấp giấy phép lái xe; sau đó đến lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm.
Ngoài các điểm sử dụng camera phạt nguội vi phạm giao thông ở TP Phủ Lý, Công an tỉnh Hà Nam sẽ triển khai lắp thêm khoảng 100 camera AI trên các tuyến đường giao thông để phát hiện, xử lý vi phạm, cũng như theo dõi quá trình làm việc của lực lượng chức năng.
“Biện pháp hữu hiệu nhất bây giờ là đẩy mạnh phạt nguội vi phạm giao thông. Ở địa bàn huyện Thanh Liêm, chúng tôi đã đề xuất và dự kiến đến cuối năm sẽ triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống camera trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện, xử phạt vi phạm giao thông. Trước mắt sẽ triển khai ở các tuyến như QL21B, đường tỉnh 499 và đường huyện 13, đây đều là các tuyến có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xuất hiện vi phạm”, thiếu tá Khoa nói.
Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam – Nguyễn Quang Tuyển cho biết: “Đầu tháng 8 vừa rồi, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức họp và đã thống nhất với 6 nhiệm vụ trọng tâm để kéo giảm TNGT trong quý III và quý IV năm nay. Trong đó, vẫn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đổi mới hình thức tuyên truyền. Ban kiến nghị đề xuất các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo đề nghị đưa nội dung bảo đảm TTATGT vào các cuộc giao ban, họp hàng tháng của cấp ủy, HĐND, UBND các cấp để phân tích, kiểm điểm, đánh giá…
Tiếp tục rà soát xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn và điểm bất cập trong tổ chức giao thông. Kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cho lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng tại các ngã ba, ngã tư có mật độ phương tiện giao thông lớn.
Lắp đặt trên 100 camera AI để phát hiện xử lý vi phạm theo hình thức phạt nguội, đồng thời giám sát luôn quá trình làm việc của lực lượng thực thi công vụ trên các tuyến đường. Cùng đó tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe”.
6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng toàn tỉnh Hà Nam đã phát hiện, lập biên bản xử lý 17.117 trường hợp vi phạm (tăng 100% so với cùng kỳ 2023), phạt tiền 33,4 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như nồng độ cồn 1.876 trường hợp, tốc độ 2.819 trường hợp, xe quá tải 705 trường hợp; xử phạt 57 trường hợp vi phạm về ATGT thông qua thiết bị giám sát hành trình.
Văn Thanh
Nguồn: https://atgt.baogiaothong.vn/tai-nan-giam-3-tieu-chi-bai-hoc-tu-thuc-tien-o-ha-nam-192240812164338613.htm