Trang chủ Hải Dương Những tuyến đường tỉnh ‘oằn mình’ cõng phương tiện

Những tuyến đường tỉnh ‘oằn mình’ cõng phương tiện

8
0

Tốc độ đô thị hóa và gia tăng xe cơ giới đã khiến nhiều tuyến đường tỉnh tại Hải Dương hằng ngày phải ‘oằn mình’ cõng lượng phương tiện vượt nhiều lần thiết kế, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và tạo áp lực cho cả người dân, cơ quan quản lý.

Đường tỉnh 394C qua huyện Cẩm Giàng dài hơn 10,8 km luôn có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc

Vượt xa lưu lượng thiết kế

Đường tỉnh 394C qua huyện Cẩm Giàng, trước đây là đường huyện 5B dài hơn 10,8 km . Từ con đường cũ, nhiều đoạn đường đã được mở rộng nhưng có chỗ “phình” ra, chỗ lại “thắt” vào. Mặt đường có đoạn chỉ rộng từ 5,5-6m, có đoạn rộng hơn 10 m. Nhiều đoạn đường hẹp, hai bên đường nhà dân san sát, khiến con đường càng bức bí.

Đường tỉnh 394C đi qua 6 xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng gồm Thạch Lỗi, Định Sơn, Cẩm Văn, Cẩm Vũ, Cẩm Hoàng và thị trấn Cẩm Giang có vai trò kết nối giao thương quan trọng. Lưu lượng phương tiện trung bình khoảng 2.800 xe quy đổi/ngày đêm, vượt 5,7 lần so với thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Lê Đức Tuấn làm nghề lái xe ở thị trấn Cẩm Giang cho biết: “Đoạn đường tỉnh 394C qua ngã ba chợ thị trấn khá hẹp, đông phương tiện qua lại. Nhiều thời điểm chợ họp dưới lòng đường, xe ô tô lớn vòng cua khó khăn, thậm chí phải trèo cả lên vỉa hè để đi rất nguy hiểm”.

Ngày 6/9 vừa qua, tại km 5+200 đường tỉnh 394C, khu vực giao nhau giữa đường tỉnh 394C và đường huyện 195B thuộc địa phận xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng), xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô và xe máy điện khiến cụ ông 76 tuổi ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng tử vong. Đây là 1 trong số 3 vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đường tỉnh 394C trong 9 tháng năm 2024. Các vụ tai nạn đã khiến 1 người chết và 4 người bị thương.

Đường tỉnh 394C đoạn gần chợ thị trấn Cẩm Giang khá hẹp, các phương tiện lớn ôm cua khó khăn (ảnh bạn đọc cung cấp)

Được ví là tuyến giao thông “xương sống” của thị xã Kinh Môn, đường tỉnh 389 không chỉ có ý nghĩa về giao thông đối nội mà còn giúp Kinh Môn kết nối với các địa phương lân cận. Tuy nhiên, tuyến đường này cũng chung tình cảnh lưu lượng vượt thiết kế. Với chiều dài 24,4 km, đường tỉnh 389 phải “oằn mình” cõng hơn 8.000 xe quy đổi/ngày đêm, vượt 2,7 lần so với lưu lượng thiết kế, trong đó có nhiều xe trọng tải lớn, xe chở container.

Mặt đường 389 cũng không đồng bộ, có đoạn rộng 10,5 m nhưng lại có đoạn chỉ rộng 7m. Trên tuyến đường này tập trung nhiều doanh nghiệp đông công nhân và 18 trường học, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc… Trong 9 tháng năm 2024, trên đường tỉnh 389 đã xảy ra 27 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 10 người chết và 24 người bị thương. Đây là một trong những tuyến đường tỉnh xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất của Hải Dương.

Quan tâm sửa chữa định kỳ

Đường tỉnh 389 qua thị xã Kinh Môn có lưu lượng phương tiện thực tế vượt gấp nhiều lần thiết kế

Hiện nay, mạng lưới đường tỉnh trải đều với nhiều trục dọc (390, 390B, 391, 392, trục Bắc – Nam đoạn phía nam, 394) và trục ngang (389, 394C, 395, 393, 392, 396) đan xen nhau, kết nối giữa mạng lưới đường tỉnh với mạng lưới quốc lộ, giữa đường tỉnh với đường tỉnh, giữa các vùng huyện với nhau và kết nối giữa tỉnh với các tỉnh lân cận. Mật độ đường giữa các khu vực chưa đồng đều, có khu vực tính kết nối còn yếu. Đa số các tuyến đường tỉnh đều đã được xây dựng từ lâu (19/24 tuyến trước những năm 90 thế kỷ XX), kết cấu mặt đường chủ yếu là đá dăm láng nhựa, thấm nhập nhựa, bê tông nhựa.

Với tốc độ phương tiện hằng năm tăng khoảng 10.000 ô tô và 40.000 mô tô, xe gắn máy, nhiều tuyến đường tỉnh có lưu lượng vượt nhiều so với lưu lượng thiết kế. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, các biện pháp hạn chế tốc độ qua khu dân cư đông đúc, hạn chế phương tiện lớn lưu thông trong giờ cao điểm, hạn chế tải trọng xe qua cầu hẹp, yếu… đã được triển khai.

Theo Thông tư số 37/2018 và Thông tư số 41/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thì thời gian sửa chữa định kỳ của mặt đường bê tông nhựa là 5 năm, mặt đường nhựa, láng nhựa là 4 năm, bê tông xi măng là 8 năm. Do vậy, toàn bộ hơn 400 km các tuyến đường tỉnh đều phải được sửa chữa định kỳ giai đoạn 2022 – 2030 (trừ một số tuyến đường tỉnh dự kiến sẽ cải tạo, nâng cấp trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và trong Chương trình nâng cấp cải tạo hệ thống đường tỉnh đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025).

Năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Đề án tăng cường công tác sửa chữa định kỳ đường tỉnh và đường huyện giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030. Đề án xác định mục tiêu đến hết năm 2026, phấn đấu sửa chữa định kỳ khoảng 130 km, đạt 50% số km đường tỉnh đến hạn hoặc quá hạn sửa chữa định kỳ.

Thời gian qua, kinh phí dành cho công tác sửa chữa định kỳ được cấp hằng năm chỉ tương ứng sửa chữa được khoảng 10-15 km đường tỉnh, chưa đáp ứng nhu cầu theo đề án. Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030, sửa chữa định kỳ phấn đấu đạt 100% số km đường tỉnh cần quan tâm dành thêm nguồn lực cho công tác này.

Theo Sở Giao thông vận tải Hải Dương, hiện nay 15/25 tuyến đường tỉnh có lưu lượng vượt thiết kế, gây khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. 65% số tuyến đường tỉnh là đường cấp V, cấp VI (mặt đường rộng từ 3,5 – 5,5m, nhỏ hơn 2 làn xe tiêu chuẩn), còn lại là đường cấp II, cấp III, cấp IV. Kết cấu mặt đường láng nhựa chiếm 56,01%, mặt đường bê tông nhựa chiếm 40,42%, còn lại là đường bê tông xi măng. Chất lượng mặt đường xấu chiếm 58,03%, trung bình chiếm 23,12%, mặt đường tốt chỉ chiếm 18,85%.

Từ đầu năm đến ngày 15/9, trên các tuyến đường tỉnh xảy ra 174 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm 60 người chết và 143 người bị thương. Năm 2023, các tuyến đường tỉnh xảy ra 59 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm 36 người chết và 32 người bị thương.

HÀ NGA

Nguồn: https://baohaiduong.vn/nhung-tuyen-duong-tinh-oan-minh-cong-phuong-tien-394136.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây