Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT – Bộ Công an), trong 9 tháng đầu năm nay có 1.957 vụ tai nạn giao thông ở trẻ em (từ 6 đến dưới 18 tuổi), làm tử vong 783 em và bị thương 2.018 em.
Thời điểm này, CSGT toàn quốc đang thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo an toàn giao thông cho đối tượng trẻ em. Trong đó chú trọng xử lý vi phạm học sinh cấp 2-3 đi xe máy vi phạm, phụ huynh giao xe cũng bị phạt nghiêm.
Trước đó, trong tháng 9/2024, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước. Theo đó, kể từ ngày 1 hết 31/10, lực lượng CSGT sẽ ra quân cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp áp dụng các chế tài xử lý linh hoạt, bảo đảm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của phụ huynh và các em học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với các em học sinh…
Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức Lễ phát động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên. Lễ phát động được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại hội thảo phổ biến quy định đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa tổ chức tại TPHCM, Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT) nhận định, tình trạng vi phạm giao thông và tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh ngày càng tăng, diễn biến phức tạp. Từ đó, vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục ý thức chấp hành luật khi trẻ em tham gia giao thông ở các cấp học.
Ông Nguyễn Quang Nhật cho hay, đầu năm học, tại nhiều trường học, cơ sở giáo dục đều có lực lượng CSGT đến sinh hoạt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Tuy nhiên, những phổ biến chỉ được đưa vào sinh hoạt ngoại khóa hoặc được giáo viên lồng ghép vào các tiết giáo dục công dân, chưa đủ “sức nặng” trong việc tác động đến các em. Do đó, Cục CSGT đang xin ý kiến, xem xét và mong muốn đưa việc giáo dục luật an toàn giao thông đường bộ là môn bắt buộc ở bậc THPT.
Đồng quan điểm này, đa phần phụ huynh cho rằng những buổi phổ biến kiến thức ngoại khóa về an toàn giao thông như hiện nay là chưa đủ, các bộ, ngành nên nghiên cứu đưa vào dạy bắt buộc như chương trình học từ THCS, THPT càng sớm càng tốt. Cùng đó, cần tăng liều lượng dạy về an toàn giao thông trên ghế nhà trường giúp trẻ ý thức sớm. Học sinh sau khi thi kết thúc môn có thể được miễn thi lý thuyết về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi thi bằng lái xe.
Các chuyên gia cho rằng, từ hiểu biết về luật giao thông mới có thể hình thành nên văn hóa giao thông. Mà văn hóa giao thông không tự nhiên mà có, mà phải hình thành từ quá trình thực hành và trở thành thói quen của mỗi người khi ra đường. Quá trình xây dựng thói quen đó cần được thực hiện từ sớm, ngay trong nhà trường và phải được thực hiện hàng ngày. Bởi thế, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên là giải pháp bền vững, thường xuyên nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong việc chấp hành nghiêm luật giao thông.
Quan trọng hơn cả, song hành cùng với luật pháp về giao thông, việc đảm bảo an toàn cho các học sinh khi tham gia giao thông còn phụ thuộc phần lớn ở ý thức, trách nhiệm của người lớn và cả cộng đồng.
Vi Cầm
Nguồn: https://daidoanket.vn/de-hanh-trinh-toi-truong-an-toan-10292226.html