Thời gian qua, từ những việc làm thiết thực, hiệu quả của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh trong phân cấp, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã tạo được sự thống nhất cao về ý chí và hành động, góp phần đảm bảo TTATGT. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, kỷ cương được siết chặt nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất TNGT xảy ra.
Nâng cao ý thức về an toàn giao thông – Cần thiết và cấp thiết
Lực lượng CSGT, Công an huyện Đoan Hùng tuần tra, kiểm soát, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn.
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Xác định công tác bảo đảm TTATGT là yêu cầu cầu bách, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1570/KH-UBND, ngày 4/5/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.
Theo đó, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội và UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trên địa bàn được phân công phụ trách, đồng thời chịu trách nhiệm nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Đồng chí Hà Việt Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Yên Lập cho biết: Huyện xác định công tác bảo đảm TTATGT là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, phải huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia. Nhiệm vụ này đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải nâng cao trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo, thường xuyên duy trì các biện pháp để bảo đảm TTATGT, chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, tạo tính răn đe và giáo dục. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, đưa nội dung cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về ATGT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Văn bản 4473/UBND-NCKS, ngày 21/10/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Là địa bàn trung tâm của huyện Yên Lập, xác định gắn trách nhiệm của người đứng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Thế Anh thông tin: “UBND thị trấn đã thành lập Tổ công tác giải tỏa hành lang ATGT để ra quân xử lý vi phạm với phương châm giải tỏa đến đâu quản lý chặt chẽ đến đó, không để tái phạm; phổ biến, quán triệt đến từng người dân, cán bộ, công chức, người lao động thực hiện. Đặc biệt sẽ gắn trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT”.
Cùng với huyện Yên Lập, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm TTATGT tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngay từ đầu năm, Ban ATGT huyện Tam Nông đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nguy cơ có thể dẫn đến TNGT, biện pháp phòng ngừa, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát trong hoạt động bảo đảm TTATGT, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo ATGT.
Bí thư Chi bộ khu 3, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông Nguyễn Chí Sơn cho biết: “Với cương vị là Bí thư chi bộ, tôi ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ vững ATGT trong khu dân cư. Tại các cuộc họp chi bộ, tôi thường xuyên quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu trong thực hiện các quy định Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, nếu đồng chí nào vi phạm sẽ căn cứ vào mức độ, tính chất để đánh giá thi đua và báo cáo cấp trên xử lý theo quy định”.
Với phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cộng với ý thức của người dân trong thực thi pháp luật về TTATGT đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động. Công tác xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, nhất là cán bộ, đảng viên vi phạm, đóng vai trò tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội.
Cán bộ Ban ATGT tỉnh phát tờ rơi, trao đổi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động tham gia bảo đảm TTATGT cho cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ ”
Tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm TTATGT là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT. Cũng như nhiều địa phương khác, phương châm này đã và đang được tỉnh Phú Thọ triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm hình thành văn hóa giao thông trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là thực hiện quyết liệt chuyên đề xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, nhằm tạo chuyển biến tích cực, hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.
Theo anh Lê Việt Hà – lái xe ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn là giải pháp rất hữu hiệu, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, tránh để xảy ra những vụ TNGT sau khi đã sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông.
Đề cập đến vấn đề đảm bảo TTATGT, đồng chí Hà Hải Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: “Là địa phương có 3 tuyến quốc lộ: QL2, QL70, QL70B chạy qua, vì vậy chúng tôi chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT. Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung vào các trục đường chính, phấn đấu giảm tối đa TNGT xảy ra trên địa bàn ở cả 3 tiêu chí, đảm bảo an toàn cho người dân”.
Để triển khai năm ATGT 2024 với Chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, Thiếu tá Lê Xuân Tú – Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT, Công an tỉnh khẳng định, lực lượng CSGT toàn tỉnh xác định xử lý vi phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đây là một trong những giải pháp thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn, góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn.
Với sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 59.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 96 tỷ đồng. Riêng đối với chuyên đề xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xử lý trên 9.300 trường hợp, xử phạt hơn 39 tỷ đồng, tạm giữ gần 9.400 phương tiện, tước trên 2.500 GPLX, đồng thời đã xác minh, ra quyết định xử phạt đối với một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Đơn cử như, chỉ trong 5 ngày (từ 14-19/10) đã xác minh, ra quyết định xử phạt 8 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm, gửi thông báo về cơ quan, đơn vị, chi, đảng bộ nơi công tác, sinh hoạt để phối hợp quản lý, xử lý.
Sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết, kịp thời trong xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng. Các cấp, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực, đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm các quyền lợi cho người dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã xuất hiện nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn cao cả, tạo tính lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực với mục tiêu xây dựng môi trường giao thông an toàn, lành mạnh, văn minh.
Kỳ III: Tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội
Nhóm PV Kinh tế
Nguồn: https://baophutho.vn/ky-ii-siet-chat-ky-cuong-nang-cao-trach-nhiem-221614.htm